Sáng nay 25/9 tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức hội thảo xin ý kiến rộng rãi của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng về dự thảo Thông tư quy định cách xác định sản phẩm, hàng hoá là hàng hoá, sản phẩm của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam.
Dự thảo thông tư này ra đời trong bối cảnh hiện nay có nhiều loại sản phẩm, hàng hoá nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài về Việt Nam lắp ghép, gia công nhưng lại ghi nhãn là hàng “made in Vietnam” khiến dư luận phản ứng.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết: Từ đầu tháng 8-2019, Bộ Công thương đã hoàn thành dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam.
Theo quy định, Bộ Công thương đã đăng tải công khai dự thảo và sẽ tổ chức 2 hội thảo tại Hà Nội và TPHCM để lấy ý kiện rộng rãi của mọi người dân, doanh nghiệp, bộ ngành liên quan để hoàn thiện, sau đó báo cáo Thủ tướng, rồi tiếp tục rà soát một lần nữa trước khi ban hành, đưa vào cuộc sống.
“Về nguyên tắc, thông tư này sẽ không làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp”, ông Trần Quốc Khánh cho biết, vì đây chỉ là thông tư giúp doanh nghiệp ghi nhãn chính xác hơn cho sản phẩm của mình, “tránh được nguy cơ bị cáo buộc là gian lận xuất xứ, loại bỏ dần tình trạng hàng nhập khẩu nhập nhèm, đội lốt hàng Việt Nam”.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Bộ Công thương muốn lắng nghe ý kiến doanh nghiệp về thông tư này nếu ban hành sẽ tác động như thế nào tới sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để bổ sung hoàn thiện dự thảo, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Còn ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, chia sẻ về tính cấp thiết của thông tư hàng “made in Vietnam”, hiện nay nhiều sản phẩm, hàng hoá Việt Nam đã mang tính quốc gia, chất lượng tăng lên, có thương hiệu, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, nên dẫn tới tình trạng hàng hoá “đội lốt” hàng Việt Nam.
“Thông tư này không chỉ là việc dán nhãn "made in Vietnam" mà còn quan trọng hơn là xác định thế nào là hàng hoá của Việt Nam”, ông Hải nói.
Những nội dung quan trọng của dự thảo là xác định rõ tiêu chí thế nào thì được coi là hàng hoá của Việt Nam và những loại hàng hoá nào không được phép ghi nhãn "made in Vietnam".
Ông Hải cũng tiếp tục khẳng định: “Nguyên tắc quan trọng của thông tư này là không tạo ra thủ tục hành chính nào cho doanh nghiệp”.
Dự thảo sẽ là cơ sở để tạo sự cạnh tranh bình đẳng cho những doanh nghiệp dày công nghiên cứu, sáng tạo, gây dựng thương hiệu. Trong khi lại có những doanh nghiệp chỉ nhập khẩu hàng hoá, linh kiện nước ngoài về gia công, lắp ráp rồi gắn nhãn.
Điều 7. Các trường hợp được coi là hàng hóa của Việt Nam
Hàng hoá được coi là hàng hóa của Việt Nam trong các trường hợp sau:
1. Hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam theo quy định tại Điều 8 Thông tư này;
2. Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa theo quy định tại Điều 9 Thông tư này.