Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ, ngành, tổ chức quốc tế, hơn 5.000 y, bác sĩ tại các điểm cầu trên cả nước và một điểm cầu tại Lào, một điểm cầu tại Campuchia.
Việc kết nối 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh của gần 30 bệnh viện tuyến Trung ương và các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội và TPHCM là kết quả của gần 2 tháng triển khai đồng loạt Đề án khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth). Qua hình thức này, nhiều ca bệnh phức tạp đã được các bác sĩ hội chẩn và cứu sống kịp thời, không phải lên tuyến trên. Những điểm cầu ở vùng sâu, vùng xa đã được kết nối như với Trường Sa, Cô Tô, Mường Nhé… Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, một buổi hội chẩn trực tuyến có thể cho phép nhiều bệnh viện tuyến dưới cùng tham gia, chia sẻ và học hỏi về chuyên môn y khoa. Thậm chí người dân ở nhà cũng có thể được bác sĩ tuyến trên khám hỗ trợ tư vấn, điều trị thông qua các thiết bị điện từ thông minh.
Phát biểu mở đầu buổi lễ, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ, thông qua các hoạt động khám chữa bệnh từ xa được triển khai, năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến cơ sở sẽ được nâng lên, người dân trên cả nước sẽ được hưởng dịch vụ y tế có chất lượng cao hơn ngay tại tuyến cơ sở, hạn chế việc chuyển tuyến, quá tải, tập trung đông bệnh nhân tại tuyến trên. Trong thời gian ngắn tới đây, Bộ Y tế sẽ tiếp tục cho ra mắt mạng y tế Việt Nam là nơi tập hợp tất cả các thầy thuốc trên toàn quốc, là diễn đàn để chia sẻ, trao đổi học hỏi lẫn nhau với mục tiêu nâng cao hơn nữa tay nghề để phục vụ nhân dân.
“Nhân dịp này, tôi cũng yêu cầu các cơ sở y tế, các thầy thuốc, các y bác sỹ, các cán bộ y tế trên toàn tuyến sẽ thực hiện và lan tỏa thông điệp “vươn cao, vươn xa”, phát huy trí tuệ, tinh thần hỗ trợ, hướng dẫn để triển khai hiệu quả chương trình khám chữa bệnh từ xa để từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở phục vụ người dân ngày một tốt hơn, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân”, ông Nguyễn Thanh Long nói.
Để lan tỏa và phát triển bền vững các hoạt động của chương trình khám chữa bệnh từ xa, Bộ Y tế sẽ tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, trên cơ sở đó chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh toàn quốc triển khai hiệu quả hoạt động này, đồng thời tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng các cơ chế tài chính, danh mục kỹ thuật, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật… nhằm thực hiện thành công đề án này.
Đặc biệt, Đề án có sự kết nối với một số bệnh viện tại Lào và Campuchia, cho thấy trách nhiệm của Việt Nam đối với các nước trong khu vực. Đây là bước đi quan trọng để quảng bá hình ảnh về nền y tế phát triển và có trách nhiệm của Việt Nam đối với nhân dân Việt Nam và quốc tế.