Phát huy lợi thế là vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc, Thừa Thiên - Huế đã sớm chủ động triển khai các giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa.
Xây dựng các sản phẩm văn hóa đặc trưng
Nhà nghiên cứu văn hóa Huế Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, trong đường lối phát triển đất nước, Việt Nam vẫn chú trọng vấn đề văn hóa. Xác định văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu để phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, đường lối xây dựng nền văn hóa của đất nước tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Đặc biệt tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt vấn đề "chấn hưng nền văn hóa dân tộc" và nhắc lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh "văn hóa là ngọn đuốc soi đường cho quốc dân đi". Những chỉ đạo của Tổng Bí thư chính là định hướng quan trọng để các địa phương tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc. Đặc biệt, vấn đề "phát triển các ngành công nghiệp văn hóa" cũng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, công nghiệp văn hóa là xu hướng phát triển của thời đại. Công nghiệp văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố bản sắc văn hóa cũng như phát triển kinh tế xã hội địa phương. Thừa Thiên - Huế là địa phương có điều kiện để phát triển công nghiệp văn hóa vì sở hữu hệ thống di sản văn hóa phong phú và đa dạng.
Hiện nay, tỉnh đang lưu giữ gần 1.000 di tích lịch sử văn hóa, khoảng 500 lễ hội, đặc biệt có với 7 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận và vinh danh. Tỉnh có có đội ngũ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đông đảo. Tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, nghị quyết, kế hoạch nhằm thúc đẩy phát triển trọng đến phát triển công nghiệp văn hóa.
Trong quá trình phát triển công nghiệp văn hóa, tỉnh Thừa Thiên - Huế phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức, như: nhận thức của một số cấp, ngành, đơn vị về công nghiệp văn hóa còn hạn chế; sản phẩm, dịch vụ và thị trường văn hóa phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Kinh tế chưa phát triển cân bằng với văn hóa; năng lực sáng tạo sản phẩm văn hóa còn yếu; chưa xây dựng được cơ chế chính sách để khuyến khích người dân cũng như thu hút các nhà đầu tư lớn mạnh vào phát triển công nghiệp văn hóa.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa nhấn mạnh, Thừa Thiên - Huế cần đẩy mạnh việc khai thác khai thác các yếu tố văn hóa để hình thành các sản phẩm văn hóa đặc trưng hấp dẫn. Tỉnh cần xây dựng chiến lược cụ thể để phát triển công nghiệp; liên kết với các hãng phim để khai thác và quảng bá, giới thiệu giá trị di sản văn hóa và về vùng đất, con người Huế; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các dự án phát triển công nghiệp văn hóa.
Chính quyền cần mạnh dạn đầu tư để phát triển công nghiệp văn hóa; xây dựng cơ chế để khuyến khích người dân phát triển các sản phẩm đặc trưng của Huế như: áo dài Huế, áo dài ngũ thân, áo dài Nhật Bình; ẩm thực; các sản phẩm lưu niệm truyền thống… Bên cạnh đó, quá trình phát triển công nghiệp văn hóa phải đặt trên nền tảng vừa bảo tồn vừa phát huy giá trị di sản và hướng tới nhu cầu của thời đại.
Tạo bản sắc riêng của Huế trong phát triển công nghiệp văn hóa
Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên - Huế cho rằng, công nghiệp văn hóa là ngành công nghiệp có sự kết hợp giữa sáng tạo với tiềm năng văn hóa để sản xuất những sản phẩm mang tính dịch vụ, phục vụ trực tiếp cho việc phát triển kinh tế, xã hội. Thừa Thiên - Huế là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển dựa trên nền tảng của văn hóa, di sản; trong đó có phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Từng là thủ phủ Đàng Trong và là kinh đô của hai triều đại Tây Sơn và nhà Nguyễn, vì vậy Huế có mật độ di sản dày đặc, nhiều loại hình phong phú. Ngày nay, Huế là Cố đô duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu...; cùng hàng vạn hiện vật, cổ vật đặc biệt quý hiếm; hệ thống di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, hệ thống di tích lịch sử cách mạng vô cùng quý giá.
Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 04-NQ/TU, ngày 24/5/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên - Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. UBND tỉnh ban hành hai chương trình hành động về xây dựng Thừa Thiên - Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa và về du lịch giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Việc xây dựng Thừa Thiên - Huế xứng tầm là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước là định hướng quan trọng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tạo động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh đúng hướng và bền vững.
Theo Tiến sĩ Phan Thanh Hải, hiện nay, Huế đang tập trung phát triển công nghiệp văn hóa dựa trên những lợi thế nổi trội và mang bản sắc riêng như du lịch di sản văn hóa, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn, ẩm thực, may thêu, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, bảo tàng…
Tỉnh đã xây dựng và khẳng định thương hiệu nhiều sản phẩm văn hóa, lễ hội đặc sắc góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa như tổ chức Festival Huế theo định hướng bốn mùa, tích hợp Festival Văn hóa và Festival Nghề truyền thống Huế cùng các lễ hội nổi tiếng diễn ra quanh năm như Lễ hội Đền Huyền Trân, Lễ hội Cầu ngư làng Thai Dương, Vật võ làng Sình, Lễ hội Điện Huệ Nam, Lễ hội Quán Thế Âm, chương trình Chợ quê ngày hội, Sóng nước Tam Giang…; hay hình thành các tour du lịch di sản, du lịch tâm linh, du lịch làng nghề, du lịch sinh thái; cùng với hình thành thương hiệu "Huế - Kinh đô Áo dài", "Huế - Kinh đô Ẩm thực"… Đáng chú ý, Thừa Thiên - Huế đã thấy rõ thế mạnh và đầu tư để trùng tu, khôi phục, chấn hưng hệ thống kho tàng di sản văn hóa phong phú, đồ sộ một cách bài bản, khoa học, hiệu quả; trong đó chú trọng đến việc gắn liền giữa bảo tồn và phát triển.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên - Huế nhấn mạnh, để các ngành công nghiệp văn hóa phát triển toàn diện cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, địa phương cần nhìn rõ và đánh giá đúng vai trò của văn hóa và phát triển công nghiệp văn hóa; đẩy mạnh hợp tác công tư và xã hội hóa hoạt động văn hóa phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Tỉnh tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân nâng cấp, khai thác phát triển nguồn nhân lực, quảng bá, phát triển thị trường văn hóa. Tỉnh xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa; hoàn thiện cơ cấu ngành công nghiệp văn hóa, bảo đảm phát triển đồng bộ trong tổng thể phát triển của nền kinh tế - xã hội; đổi mới cơ chế quản lý, huy động các nguồn lực đầu tư nhằm phát huy hiệu quả giá trị các di sản văn hóa Huế.
Bên cạnh đó, tỉnh cần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp văn hóa với trình độ chuyên môn cao. Thực hiện tốt chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, ưu đãi, vinh danh văn nghệ sĩ, nghệ nhân, các nhà khoa học, các nhà sáng tạo. Tỉnh tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa, phù hợp với thị trường trong nước và ngoài nước; phát triển thị trường các ngành công nghiệp văn hóa.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong đó có nội dung "Phát triển kinh tế di sản gắn với du lịch và công nghiệp văn hóa", càng tạo ra cơ sở pháp lý và điều kiện để Cố đô Huế đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.