Tham dự diễn đàn có đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Tuyên giáo Trung ương, tỉnh Phú Yên, các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương cùng các doanh nghiệp.
Theo Ban Tổ chức diễn đàn, biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến trình phát triển của các quốc gia, vùng, địa phương và uy hiếp sự an toàn về tính mạng, tâm lý, sức khỏe con người, làm suy giảm đa dạng sinh học dẫn đến mất cân bằng sinh thái.
Các nghiên cứu khoa học và thực tiễn đã chỉ ra rằng, việc tăng nồng độ khí nhà kính sẽ gây ra hiệu ứng làm tăng nhiệt độ trái đất, tác động đến quy luật tự nhiên của khí hậu, kéo theo hàng loạt các hình thái thời tiết dị thường. Một trong những giải pháp hạn chế phát thải khí nhà kính là chuyển đổi năng lượng từ hóa thạch sang năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ đã cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Tại COP27, Việt Nam cũng đã thông tin tới quốc tế về giải pháp trọng tâm để thực hiện các cam kết khí hậu chính là chuyển đổi năng lượng.
Tại diễn đàn, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Các bộ, ngành đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều đề án, chiến lược, kế hoạch hành động về chống biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí Metan, chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí Carbon, phát triển lâm nghiệp bền vững…
Một số địa phương đã chủ động thực hiện các giải pháp: quản lý, bảo vệ rừng và xây dựng đề án thí điểm trao đổi tín chỉ Carbon rừng; thích ứng với biến đổi khí hậu trong nông nghiệp; kêu gọi đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo; xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn.
Một số doanh nghiệp như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn VinGroup…đã triển khai các giải pháp sáng kiến, cải tiến trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền (Ban Tuyên giáo Trung ương), để góp phần thúc đẩy mạnh mẽ về chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, công tác tuyên truyền rất quan trọng, làm thay đổi nhận thức từ lãnh đạo đến doanh nghiệp và mọi người dân; đồng thời biến nhận thức thành hành động cụ thể trong hoạch định chính sách của chính quyền, trong xây dựng và thực hiện chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp và thói quen sống, thói quen tiêu dùng của mỗi người dân. Trong các giải pháp về chuyển đổi xanh cần có sự đồng thuận của xã hội gắn với hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Chia sẻ kinh nghiệm về công tác truyền thông trong việc chuyển đổi xanh và chống biến đổi khí hậu, Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Xuân Trung cho rằng, nhà báo cần thay đổi tư duy theo hướng giám sát, đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi xanh cũng như chuyển đổi số, qua đó đóng góp vào quá trình phát triển của đất nước. Báo chí cũng có thể tổ chức các diễn đàn nhằm thúc đẩy truyền thông, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về chống biến đổi khí hậu.
Đối với tỉnh Phú Yên, trong thời gian qua, lãnh đạo tỉnh luôn quán triệt quan điểm phát triển bền vững gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh. Tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, giải pháp bảo vệ môi trường, bảo vệ các nguồn lợi từ biển, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ biển và xâm thực, phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng.
Từ năm 2021 đến nay, hưởng ứng Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Phú Yên đã tổ chức trồng được hơn 9 triệu cây xanh, đạt 63% so với chỉ tiêu Đề án trồng 15 triệu cây xanh của tỉnh giai đoạn 2021-2025 đã đề ra. Phú Yên đã gửi đến du khách thông điệp “Hãy tặng Phú Yên món quà xanh” để góp phần cùng người dân xây dựng tỉnh Phú Yên xanh, sạch, thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, tỉnh Phú Yên đã tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế thực hiện nhiều dự án về bảo vệ môi trường như: Tăng cường năng lực cộng đồng bảo tồn rạn san hô Hòn Yến; thu gom rác thải nhựa ngoài biển với sự đồng thuận của cộng đồng ngư dân; hợp tác nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các hệ sinh thái. Tất cả đều hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xanh và bền vững, gắn với việc bảo vệ môi trường.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng cũng như nhiều tỉnh, thành phố khác trong khu vực miền Trung, do tác động của biến đổi khí hậu, Phú Yên chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, thời tiết cực đoan. Hạn hán, thiếu nước cho sản xuất, sinh hoạt vào mùa hè và mưa bão vào mùa đông đã gây khó khăn, bất lợi cho sản xuất, phát triển kinh tế và đời sống của người dân. Do vậy, những kinh nghiệm cùng ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, nhà báo và doanh nghiệp sẽ giúp cho tỉnh sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành khẳng định, các ý kiến đóng góp về chuyển đổi xanh tại Diễn đàn sẽ được Bộ xem xét, tiếp thu, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung vào các chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường với mục tiêu chung là sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 và COP27, đặc biệt là cam kết chính trị về chuyển đổi năng lượng công bằng giữa Việt Nam với các đối tác quốc tế.
Nhân dịp này, Báo Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Báo Phú Yên, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên cùng Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup trao tặng 400 bồn chứa nước ngọt (dung tích 1.200 lít/bồn) cho ngư dân tại thị xã Đông Hòa, huyện Tuy An và thành phố Tuy Hòa.