Viêm loét dạ dày đang có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa nhanh. Không chỉ xuất hiện người lớn mà cả trẻ em cũng dễ mắc bệnh này.
Mới đây, tại khoa Ngoại Nhi - Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã tiếp nhận bệnh nhân Vũ Minh Đ, 15 tuổi, trú tại Thị trấn Chợ Chu, Huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên. Bệnh nhân vào viện vì đau bụng dữ dội vùng trên rốn, mệt mỏi nhiều, tiền sử khoảng 1 tháng nay đau tức âm ỉ vùng thượng vị, nôn ra ít máu.
Các bác sĩ cho bệnh nhân chụp XQ bụng không chuẩn bị có hình ảnh liềm hơi dưới vòm hoành phải, chụp CT ổ bụng có nhiều khí và dịch tự do trong ổ bụng, vùng hành tá tràng có mạc nối thâm nhiễm. Bệnh nhân được chẩn đoán thủng tạng rỗng – theo dõi thủng ổ loét hành tá tràng. Sau khi được bù nước điện giải, kháng sinh, giảm tiết, giảm đau, làm các xét nghiệm cấp cứu bệnh nhi vẫn thiếu máu nhược sắc hồng cầu nhỏ.
Các bác sĩ khoa Ngoại Nhi đã tiến hành phẫu thuật nội soi kết hợp truyền máu hồi sức cho cháu bé. Ghi nhận tổn thương trong quá trình phẫu thuật có 01 lỗ thủng tại mặt trước của hành tá tràng kích thước khoảng 0.7 x 0.7 cm, bờ lỗ thủng mềm, dễ rách, kèm theo nhiều giả mạc, dịch đục trong ổ bụng. Bệnh nhi đã được phẫu thuật nội soi khâu lỗ thủng hành tá tràng, lau rửa sạch ổ bụng. Sau 7 ngày điều trị tại khoa Ngoại nhi, toàn trạng trẻ ổn định, ăn uống bình thường đã được xuất viện.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hồng, Nguyên Phó trưởng khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai cho biết, tại Khoa Tiêu hóa, bác sĩ từng gặp những bệnh nhân nhỏ tuổi bị viêm loét dạ dày khi mới 5 tuổi. Để phát hiện sớm bệnh dạ dày và các tổn thương trên bề mặt niêm mạc dạ dày thì nội soi là cách thường được sử dụng. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ, chụp đối quang kép chỉ xác định khi tổn thương quá lớn.
PGS Hồng cho rằng, với hình ảnh nội soi, các bác sĩ sẽ phát hiện tổn thương bề mặt nhanh nhất. Trong phương pháp nội soi có: nội soi phóng đại, nội soi nhuộm màu. Hình ảnh nội soi nhuộm màu nhiều mức độ khác nhau sẽ phân định rõ tổn thương, từ đó bác sĩ ra chỉ định sinh thiết, cắt hớt niêm mạc hay cắt tách niêm mạc …. Sau khi nội soi bác sĩ vừa xác định tổn thương , nếu cần thiết sẽ phân định tổn thương chính xác hơn qua sinh thiết dựa trên kết quả của tế bào học. Với bệnh viêm loét dạ dày, xét nghiệm máu chỉ có ý nghĩa với khối u dạ dày ở giai đoạn muộn.
Theo các bác sĩ, trẻ em khi bị viêm loét dạ dày, các triệu chứng lâm sàng thường không giống người lớn, thời gian tiến triển bệnh cũng khác nên dễ bị chẩn đoán nhầm. Trẻ có thể đau bụng trước hoặc sau bữa ăn, đau về đêm, đôi khi là đau bất thường không có thời điểm cố định. Bệnh nếu không được điều trị, hoặc điều trị sai sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như dễ gây loét sâu, xuất huyết tiêu hóa, thậm chí gây thủng dạ dày; đặc biệt là biến chứng gây hẹp môn vị… Về lâu dài, bệnh tiến triển mạn tính, ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất cũng như tinh thần của trẻ.
Thủng dạ dày ở trẻ em là tương đối ít gặp. Hiện nay tình trạng viêm dạ dày ở trẻ em ngày càng tăng, nguyên nhân chính là do thói quen ăn uống, vừa xem tivi hay điện thoại vừa ăn, thức khuya chơi game, stress học tập… Các bậc phụ huynh nên chú ý điều chỉnh lối sống lành mạnh cho sự phát triển của trẻ tránh những trường hợp nặng nề xảy ra.