Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) trong hai ngày 20 và 21/6. Theo truyền thống, nguyên thủ 28 nước thành viên EU, bao gồm cả Vương quốc Anh, sẽ có buổi ăn tối chung vào tối 20/6, theo giờ Brussels trước khi tiến hành phiên thảo luận dự kiến kéo dài xuyên đêm. Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Donald Tusk sẽ là người chủ trì các phiên họp.
Nội dung chính của Thượng đỉnh EU lần này là lựa chọn các đề cử cho các chức danh lãnh đạo quan trọng nhất của khối, gồm chức Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Chủ tịch Nghị viện châu Âu, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và vị trí Cao uỷ phụ trách đối ngoại và an ninh.
Cuộc đua vào các chức danh trên đã căng thẳng ngay sau khi kết thúc cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu cuối tháng 5/2019, trong đó nổi bật là mâu thuẫn giữa hai quốc gia đầu tàu là Đức và Pháp trong việc chọn người giữ chức Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC), tức cơ quan hành pháp quyền lực nhất của khối, thay cho ông Jean-Claude Juncker.
Trong khi Đức kiên định ủng hộ ứng cử viên nước mình là ông Manfred Weber của nhóm đảng Nhân dân châu Âu (PPE) thì Pháp cùng Tây Ban Nha đang cố gắng lôi kéo sự ủng hộ của các nước khác như Hà Lan và Bỉ nhằm ngăn chặn phương án này. Theo quy định của EU, ứng cử viên giữ chức Chủ tịch Uỷ ban châu Âu cần phải được ít nhất 21 trên 28 nước thành viên EU đồng ý và nhận số phiếu quá bán tại Nghị viện châu Âu, tức 376 phiếu.
Sát giờ khai mạc hội nghị Thượng đỉnh, giới phân tích châu Âu nhận định, dù các bất đồng Đức-Pháp còn khá lớn nhưng nhiều khả năng một phương án phân chia quyền lực đang được bàn thảo kỹ, theo đó ứng cử viên Manfred Weber của nhóm đảng Nhân dân châu Âu do Đức ủng hộ sẽ giữ chức Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, đổi lại nhóm các đảng tự do, trong đó có đảng “Nền Cộng hoà tiến bước” của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, sẽ giữ ghế Chủ tịch Hội đồng châu Âu còn nhóm Dân chủ-xã hội giữ ghế Chủ tịch Nghị viện và vị trí Cao uỷ phụ trách đối ngoại và an ninh.
Bên cạnh việc phân chia các ghế lãnh đạo khối, một số chủ đề khác được dự đoán cũng sẽ tạo nên các tranh luận căng thẳng tại Thượng đỉnh lần này, trong đó có kế hoạch của EU về việc đến năm 2050 sẽ đưa mức phát thải khí carbon trong khối về 0. Kế hoạch này được cả Đức và Pháp ủng hộ nhưng bị các nước thành viên phía Đông, đặc biệt là Ba Lan, phản đối gay gắt.
Theo nghị trình, trong ngày 21/6, các lãnh đạo EU sẽ bàn về các biện pháp cải tổ EU và các diễn biến hiện nay của Brexit. Thủ tướng Anh Theresa May sẽ không tham dự các phiên thảo luận này./.