Tỉ lệ trẻ em tiêm phòng vắc xin sởi không đạt yêu cầu, lỗi do nhân viên y tế?

(Ngày Nay) - Đại diện Trung tâm Y tế dự phòng TP. HCM thừa nhận, nguyên nhân khiến cho tỷ lệ tiêm phòng vắc xin sởi của TPHCM chỉ đạt 76%, trong khi mức yêu cầu phải từ 90% trở lên một phần xuất phát từ chính các nhân viên y tế.

 

Một bệnh nhi mắc sởi đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. HCM)
Một bệnh nhi mắc sởi đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. HCM)

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết, mặc dù đã thực hiện nhiều biện pháp tăng độ bao phủ vắc xin sởi trong cộng đồng nhưng TPHCM mới chỉ có 76,2% trẻ em được tiêm phòng đủ 2 mũi sởi, trong khi đó yêu cầu tỷ lệ này phải đạt từ 90% trở lên. So với những năm trước, tỷ lệ này đã cao hơn khá nhiều nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu. 

Mặc dù đánh giá cao vai trò của tiêm chủng dịch vụ trong việc nâng tỷ lệ tiêm chủng trong cộng đồng nhưng BS Dũng cho biết, hiện vẫn có một số bất cập trong việc tiêm phòng vắc xin sởi dịch vụ. Có không ít nhân viên y tế tại các cơ sở tiêm chủng tư vấn phụ huynh đợi đến 12 tháng tuổi mới cho con tiêm phòng mũi tổng hợp 3 trong 1 gồm sởi – quai bị - rubella (MMR) thay vì tiêm mũi sởi đơn ở thời điểm 9 tháng. Như vậy có một số lượng lớn trẻ đến 12 tháng tuổi mới được tiêm ngừa sởi mũi 1, điều này sẽ khiến cho nguy cơ trẻ mắc sởi và lây lan sởi trong cộng đồng cao hơn. “Đây chính là lỗ hổng tiêm chủng khiến cho bệnh sởi bùng phát và lây lan mạnh trong thời gian qua bởi trong 3.000 trẻ mắc bệnh sởi từ tháng 8/2018 đến nay thì có đến 30% trẻ dưới 12 tháng tuổi và hoàn toàn chưa được tiêm phòng vắc-xin sởi”, BS Nguyễn Trí Dũng khẳng định. 

Trước tình trạng này, Sở Y tế TPHCM đã gửi công văn yêu cầu các cơ sở tiêm chủng dịch vụ cần tư vấn đầy đủ, chính xác cho người dân về thời điểm tiêm phòng bệnh sởi. Cụ thể, cần tư vấn cho người dân nên tiêm phòng sởi mũi 1 ở thời điểm trẻ đủ 9 tháng tuổi. Ngoài ra, Sở Y tế cũng yêu cầu các cơ sở tiêm chủng dịch vụ cung ứng vắc xin sởi đơn cho người dân; trong trường hợp cơ sở tiêm chủng dịch vụ không có vắc-xin này cần hướng dẫn người dân đưa trẻ đến trạm y tế để trẻ được tiêm phòng bệnh sởi đúng lịch.

Hiện nay, trung bình mỗi tuần có khoảng 250 trường hợp mắc sởi mới, theo nhận định của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, số ca mắc mới hàng tuần có thể sẽ không tăng thêm nhưng sẽ kéo dài đến giữa năm 2019. Vì thế, việc tiêm vét là vô cùng cần thiết. Trạm y tế phải rà soát thật kỹ số trẻ tại địa phương để sàng lọc những trẻ chưa được tiêm sởi nhằm vận động phụ huynh cho trẻ đi tiêm vét tại trạm y tế phường. Bên cạnh đó, các trạm y tế cũng cần phối hợp với trường học để có thể tiêm vét tại trường; các bệnh viện cũng cần kiểm tra lịch sử tiêm của các trẻ xuất viện để tiến hành tiêm bổ sung cho những trẻ chưa được tiêm đủ 2 mũi sởi.

Về việc triển khai tiêm phòng vắc xin 5 trong 1 ComBE Five (thay thế vắc xin Quivaxem) trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, BS Nguyễn Trí Dũng cho biết, từ đầu tháng 2/2019, TPHCM mới bắt đầu triển khai tiêm phòng vắc xin này tại quận Tân Phú và quận 6. Tuy nhiên, sau 2 tuần triển khai chỉ có 66 trẻ được phụ huynh đưa đến tiêm phòng và chưa ghi nhận các biến chứng nặng sau tiêm. Trong thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục mở rộng tiêm chủng vắc xin ComBe Five trên toàn địa bàn thành phố. 

Ngoài ra, trước sự e dè của người dân về vắc xin ComBE Five, Sở Y tế TPHCM đang lên kế hoạch mở rộng nguồn cung ứng vắc xin 5 trong 1, 6 trong 1 dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, tránh tình trạng “cháy” vắc xin dịch vụ như trước đây

Bình luận
Tiêm vắc xin phòng bệnh tại CDC Đồng Nai. (Ảnh minh hoạ)
Bảo đảm thông suốt công tác phòng, chống dịch, tiêm chủng sau sáp nhập các đơn vị y tế
(Ngày Nay) - Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố bảo đảm hoạt động thông suốt, không để gián đoạn làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng sau khi nhập sáp nhập, hợp nhất các đơn vị y tế ở các cấp... là nội dung quan trọng trong công văn số 2513/BYT-PB gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur về việc tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống dịch trong giai đoạn giao mùa.
Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên 212.000 sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, chủ yếu là vitamin, collagen, glucosamin... do nước ngoài sản xuất.
Thu giữ hơn 200.000 sản phẩm vitamin, collagen không rõ nguồn gốc
(Ngày Nay) - Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bắc Ninh vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bắc Ninh đột xuất kiểm tra, phát hiện và thu giữ trên 25 tấn, tương đương với khoảng 200.000 sản phẩm là vitamin, collagen thuộc lĩnh vực thực phẩm bảo vệ sức khoẻ không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp.
Người dân Nhật Bản. Ảnh minh họa
Có đến 68% người Nhật ủng hộ độc lập hơn với Mỹ
(Ngày Nay) - Theo một cuộc khảo sát toàn quốc ở Nhật Bản, khoảng 68% người được hỏi cho rằng Nhật Bản nên theo đuổi lập trường độc lập hơn với Mỹ, ở câu hỏi khác, 77% hoài nghi sự bảo vệ từ Mỹ với nước này.