Tiền Giang: Bệnh viện 'đắp mền' máy RT-PCR, Sở Y tế báo cáo hoạt động hết công suất

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Trong khi nhiều cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Tiền Giang không có hệ thống xét nghiệm sinh học phân tử Realtime RT-PCR để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 thì Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang lại “đắp mền” suốt nhiều tháng, dù đã chi hàng tỷ đồng mua thiết bị y tế để vận hành. 

Trong khi đó, Sở Y tế tỉnh lại báo cáo hệ thống này hoạt động hết công suất để đề xuất Trung ương hỗ trợ.

Tiền Giang: Bệnh viện 'đắp mền' máy RT-PCR, Sở Y tế báo cáo hoạt động hết công suất ảnh 1

Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang.

Thiếu nhân sự vẫn nhận máy RT-PCR

Giữa tháng 7/2021, dịch bệnh Covid-19 bắt đầu bùng phát mạnh ở các tỉnh miền Tây Nam bộ. Kể từ 0 giờ ngày 19/7, cùng với các địa phương khác Tiền Giang thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn toàn tỉnh theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Trong thời gian này, Sở Y tế Tiền Giang tiếp nhận hai hệ thống xét nghiệm RT-PCR và một số thiết bị dụng cụ y tế do một doanh nghiệp ở TP.HCM trao tặng để sử dụng trong phòng chống dịch. Giám đốc Sở Y tế Trần Thanh Thảo ký văn bản bàn giao một hệ thống RT-PCR (hãng Quiagen GmbH – Đức) cho Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang để triển khai sử dụng trong xét nghiệm SARS-CoV-2.

Một nguồn tin riêng của Ngày Nay cho biết, trong buổi họp của Bệnh viện Phụ sản để thống nhất việc tiếp nhận máy RT-PCR, Khoa Xét nghiệm nêu khó khăn về công tác nhân sự vì phải đảm nhận công việc hằng ngày và tham gia hỗ trợ các Bệnh viện dã chiến. Do đó, để triển khai hệ thống RT-PCR cần thêm 4 cử nhân xét nghiệm, có chứng chỉ hành nghề. Từ đó đề nghị xem xét lại về sự cần thiết triển khai máy RT-PCR tại Bệnh viện Phụ sản, trong khi nhiều nơi khác đang rất cần hệ thống này để phòng chống dịch.

Tuy nhiên đến ngày 28/7, sau khi nhận báo cáo cuộc họp và các văn bản đề xuất kinh phí mua sắm của Bệnh viện này, Giám đốc Sở Y tế Trần Thanh Thảo ký văn bản số 3744/SYT-KHTC gửi Bệnh viên Phụ sản Tiền Giang cho rằng biên bản họp của bệnh viện: “Không đúng yêu cầu họp Hội đồng Khoa học Kỹ thuật (KHKT) của Bệnh viện về chủ trương, kế hoạch, nhu cầu, danh mục, số lượng, yêu cầu kỹ thuật và dự toán mua sắm thiết bị Y tế bổ sung cho hệ thống RT-PCR”.

Từ đó, Sở Y tế yêu cầu Bệnh viện Phụ sản tổ chức họp lại Hội đồng KHKT để thông qua: “Danh mục, số lượng, yêu cầu kỹ thuật các thiết bị cần mua sắm...; Xác định vị trí thiết lập Phòng xét nghiệm An toàn sinh học để vận hành máy RT-PCR làm cơ sở để Viện Pasteur TP.HCM thẩm định...; Nhu cầu nhân lực và nhu cầu tập huấn để vận hành”.

Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế, Hội đồng KHKT Bệnh viện tổ chức họp lại vào ngày 29/7 và một lần nữa thống nhất cần 4 nhân sự tăng cường để vận hành hệ thống RT-PCR.

"Đắp mền" máy RT-PCR vẫn đề xuất tiền tỷ mua thiết bị y tế

Tiền Giang: Bệnh viện 'đắp mền' máy RT-PCR, Sở Y tế báo cáo hoạt động hết công suất ảnh 2

Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang đề nghị kinh phí 2 gói mua sắm gần 8,5 tỷ đồng.

Theo nguồn tin riêng của Ngày Nay, ngay sau khi được bàn giao hệ thống RT-PCR, ngày 22/7, Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang đã nhanh chóng có văn bản số 671/BVPS-TCKT do Quyền Giám đốc Võ Thị Thu Hà ký gửi Sở Y tế đề nghị cấp kinh phí để mua hoá chất cho máy hoạt động dự kiến trong 3 tháng. Số lượng là 15.000 mẫu hoá chất, sinh phẩm với giá trị gần 7 tỷ đồng.

Một ngày sau tức 23/7, bà Võ Thị Thu Hà tiếp tục ký văn bản số 674/BVPS gửi Sở Y tế đề nghị xem xét trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương và danh mục dự toán mua sắm các trang thiết bị y tế bổ sung cho hệ thống xét nghiệm RT-PCR, gồm 11 hạng mục như: tủ lạnh âm sâu, túi an toàn sinh học, nồi hấp tiệt trùng... với giá trị hơn 1,5 tỷ đồng.

Tổng số tiền mà Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang đề xuất mua sắm phục vụ vận hành hệ thống RT-PCR gần 8,5 tỷ đồng.

Đến ngày 11/8, ông Trần Thanh Thảo tiếp tục ký văn bản số 4069/SYT-KHTC đề nghị Trung tâm Mua sắm Công ngành Y tế Tiền Giang phối hợp với Bệnh viện Phụ sản xây dựng dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu trong việc mua sắm vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm RT-PCR cho Bệnh viện Phụ sản. Sau đó, Trung tâm Mua sắm Công ngành Y tế Tiền Giang đề xuất tổng dự toán là hơn 2,7 tỷ đồng để mua 6.000 mẫu sinh phẩm, thay vì gần 7 tỷ đồng để mua 15.000 mẫu như đề nghị của Bệnh viện Phụ sản.

Như vậy, chi phí dự kiến cho hai gói mua sắm thiết bị y tế và sinh phẩm phục vụ vận hành hệ thống xét nghiệm RT-PCR là hơn 4,2 tỷ đồng (bằng một nửa so với đề xuất ban đầu của Bệnh viện là 8,5 tỷ đồng).

Tiền Giang: Bệnh viện 'đắp mền' máy RT-PCR, Sở Y tế báo cáo hoạt động hết công suất ảnh 3

Hệ thống RT-PCR không hoạt động suốt nhiều tháng qua.

Mặc dù đề xuất mua sắm hàng tỷ đồng nhưng đến thời điểm tháng 10/2021, hệ thống RT-PCR tại Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang vẫn chưa được vận hành dù dịch bệnh trong giai đoạn tháng 8 và 9/2021 vô cùng phức tạp, căng thẳng. Vị trí được chọn làm Phòng xét nghiệm An toàn sinh học khoá cửa, không có nhân sự làm việc. Các vật tư y tế được bệnh viện mua sắm (trong gói 1,5 tỷ đồng) cũng trong tình trạng “đắp mền”.

Nguồn tin riêng của Ngày Nay cho biết, do mấy tháng qua thiếu nhân sự chuyên môn nên hệ thống RT-PCR không hoạt động, trong khi nhiều Trung tâm Y tế khác trên địa bàn tỉnh rất cần máy để xét nghiệm phòng chống dịch bệnh nhưng không được Sở Y tế phân bổ.

“Lãnh đạo Bệnh viện đề nghị các Khoa cử cán bộ nhân viên tham gia lớp đào tạo đọc kết quả xét nghiệm, trong đó có cả nữ Hộ sinh. Các Hộ sinh phản ứng rất gay gắt vì chứng chỉ hành nghề của họ không phù hợp, trái chuyên ngành, sai quy định, vi phạm quy chế của Bộ Y tế. Họ đề nghị cung cấp văn bản quy định cụ thể việc Bệnh viện yêu cầu phân công công tác mới nhưng không được”, nguồn tin cho hay.

Sở Y tế báo cáo hoạt động hết công suất

Trong văn bản số 4108/SYT-KHTC do Giám đốc Sở Y tế Trần Thanh Thảo ký ngày 12/8/2021 về việc đề xuất Trung ương hỗ trợ trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm phục vụ phòng chống Covid-19, nêu: “Toàn tỉnh có 5 cơ sở Y tế với 5 hệ thống RT-PCR thực hiện xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 (Bệnh viện ĐKTT Tiền Giang, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Tiền Giang, Bệnh viện ĐKKV Cai Lậy, Bệnh viện ĐKKV Gò Công, Bệnh viện Phụ sản) đã chạy hết công suất (3.000 mẫu/ngày)”.

Tiền Giang: Bệnh viện 'đắp mền' máy RT-PCR, Sở Y tế báo cáo hoạt động hết công suất ảnh 4

Sở Y tế Tiền Giang khẳng định Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang không đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật RT-PCR.

Tuy nhiên, như đã nêu ở phần trên, đến thời điểm này hệ thống RT-PCR được phân bổ cho Bệnh viện Phụ sản vẫn đang “đắp mền”. Không hiểu vì lý do gì Giám đốc Sở Y tế Trần Thanh Thảo lại báo cáo như vậy, bởi chính Sở Y tế sau đó có văn bản số 4644/TB-SYT do Phó Giám đốc Nguyễn Hữu Diệp ký, khẳng định Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang chỉ thực hiện test nhanh kháng nguyên, không đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật RT-PCR.

Trong kế hoạch số 826/KH-BVPS của Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang do bà Võ Thị Thu Hà ký ngày 6/9 cũng thể hiện, các mẫu của toàn thể nhân viên y tế Bệnh viện sẽ được gửi đến Bệnh viện ĐKTT Tiền Giang để xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR. “Phòng Tài chính Kế toán chuẩn bị kinh phí, thực hiện thanh quyết toán..., Khoa xét nghiệm chuẩn bị môi trường, giao mẫu và nhận kết quả tại Khoa xét nghiệm Bệnh viện ĐKTT Tiền Giang...”, văn bản nêu rõ.

Mới đây, sau khi xảy ra lùm xùm quanh gói thầu “mua test nhanh kháng nguyên tầm soát dịch Covid-19” trị giá hơn 78 tỷ đồng (638.000 test, đơn giá hơn 122.000 đồng/test) do Sở Y tế Tiền Giang làm chủ đầu tư. Ngày 6/10, UBND tỉnh Tiền Giang đã thành lập đoàn kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Trước thông tin này, Bệnh viện Phụ sản vội vàng tổ chức họp Hội đồng KHKT vào ngày 8/10 để xem xét nhu cầu sử dụng và triển khai xét nghiệm trên hệ thống RT-PCR. Tại cuộc họp này, Hội đồng bất ngờ đề xuất Sở Y tế xem xét điều chuyển hệ thống xét nghiệm RT-PCR đến đơn vị khác.

Trao đổi với Phóng viên Ngày Nay vào chiều 11/10, bà Võ Thị Thu Hà, Quyền Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang cho biết đang họp và từ chối cung cấp thêm thông tin qua điện thoại. Phóng viên tiếp tục liên hệ với Giám đốc Sở Y tế Trần Thanh Thảo, tuy nhiên ông Thảo vẫn chưa phản hồi các vấn đề liên quan đến sự việc này.

UNESCO gây quỹ 44,5 triệu USD cho giáo dục Cameroon. Ảnh: UNESCO
UNESCO gây quỹ 44,5 triệu USD cho giáo dục Cameroon
(Ngày Nay) - Trong chuyến thăm chính thức tới thành phố Yaoundé (Cameroon), Tổng giám đốc UNESCO đã công bố huy động 44,5 triệu USD (khoảng hơn 1.000 tỷ đồng) cho giáo dục tại Cameroon. Khoản tiền này sẽ được sử dụng để hiện đại hóa chương trình giảng dạy tại trường học và đào tạo hơn 28.000 chuyên gia giáo dục.
Nhiều khu vực trên cả nước duy trì mưa dông
Nhiều khu vực trên cả nước duy trì mưa dông
(Ngày Nay) - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng sớm 12/9, khu vực đồng bằng, trung du Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30-50mm, cục bộ có nơi trên 100mm.
(Từ trái sang) Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy và Ngoại trưởng Anh David Lammy tại cuộc gặp ở Kiev ngày 11/9.
Phương Tây hối thúc Ukraine tính toán phương án B
(Ngày Nay) - Ukraine đang chịu áp lực từ phương Tây để điều chỉnh chiến lược trong bối cảnh Nga tiếp tục đạt được những bước tiến dù chậm chạp. Mỹ và châu Âu đang thúc đẩy Kiev đưa ra một kế hoạch thực tế hơn, có thể đạt được trong năm tiếp theo, nhằm duy trì sự hỗ trợ quân sự từ các đồng minh.
Người già cô đơn
Người già cô đơn
(Ngày Nay) - Người già cô đơn đang trở thành một vấn đề xã hội đáng lo ngại trong những năm gần đây. Với nhịp sống hối hả của đô thị hiện đại, không ít người lớn tuổi rơi vào xế chiều cô quạnh, thiếu thốn tình cảm từ gia đình, xã hội và chịu nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.