Tùy điều kiện thực tế, các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh quyết định quy mô và hình thức tổ chức khai giảng trực tuyến phù hợp, không quá 5 người, lan tỏa thông điệp chào mừng năm học mới với phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”.
Trong năm học này, tỉnh Tiền Giang sẽ có trên 300 ngàn học sinh từ cấp học Mầm non đến Trung học phổ thông. Để đảm bảo cho công tác dạy và học, ngành Giáo dục và Đào tạo đã nỗ lực chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, một số công trình sửa chữa trường, lớp phục vụ cho năm học mới trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 70% kế hoạch đề ra. Các địa phương quyết tâm khi hết giãn cách xã hội sẽ tập trung sửa chữa cơ sở vật chất để phục vụ công tác dạy học khi dịch bệnh được kiểm soát, học sinh đến trường.
Hiện các địa phương trong tỉnh hoàn thiện đội ngũ giáo viên các cấp học, ưu tiên bổ sung đủ giáo viên dạy khối lớp 2 và lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Trước đó, tất cả cán bộ quản lý, giáo viên dạy lớp 2 và 6 đã được tập huấn đầy đủ về chương trình sách giáo khoa mới. Bên cạnh đó, các giáo viên đều nỗ lực tự học bằng nhiều hình thức khác nhau, bảo đảm kỹ năng, kiến thức để triển khai tốt chương trình mới. Đến thời điểm này, cán bộ, giáo viên đều sẵn sàng cùng ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh vượt khó trong năm học mới 2021-2022.
Về việc cung ứng sách giáo khoa cho năm học mới, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông sách giáo khoa trong điều kiện giãn cách xã hội.
Công ty cổ phần Sách - Thiết bị trường học Tiền Giang cho biết, đơn vị đã cung ứng khá đầy đủ sách giáo khoa cho các trường trên địa bàn tỉnh. Tiền Giang quyết tâm trước khi triển khai dạy học trực tuyến, không để bất kỳ học sinh nào thiếu sách giáo khoa.
Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang chia sẻ: Việc dạy học trực tuyến tuy có khó khăn nhưng toàn ngành quyết tâm vừa thực hiện vừa khắc phục bất cập, hạn chế, nhất là đối với học sinh đầu cấp. Điều này đòi hỏi giáo viên phải vận dụng tối đa các phương pháp dạy học tích cực, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động phối hợp với phụ huynh để hỗ trợ các em làm quen với môi trường, phương pháp học tập mới.