Cụ thể, nghiên cứu chỉ ra rằng những người tiêu thụ nhiều chất béo thực vật có nguy cơ gặp đột quỵ thấp hơn 12% so với những người ăn ít.
Mặt khác, những người ăn nhiều chất béo bão hòa có nguồn gốc động vật có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 16% so với những người ăn ít.
"Phát hiện của chúng tôi chỉ ra rằng lựa chọn loại chất béo quan trọng hơn việc tiêu thụ bao nhiêu chất béo trong chế độ ăn uống", tiến sĩ Fenglei Wang từ trường Y tế Cộng đồng T.H. Chan thuộc Đại học Havard cho biết.
Con người luôn cần chất béo để tồn tại. Chất béo giúp cơ thể hấp thụ vitamin từ thực phẩm, giữ cho hormone hoạt động, tái tạo tế bào, cung cấp năng lượng và giữ ấm cho cơ thể.
Đặc biệt, chất béo không bão hòa có trong rau, quả hạch và cá có thể làm giảm mức cholesterol và giúp con người khỏe mạnh.
Chuyên gia dinh dưỡng tim mạch Alice Lichtenstein cho biết những loại dầu nên dùng để chế biến thức ăn bao gồm dầu hướng dương, dầu đậu nành, vốn có nhiều axit béo không bão hòa đa, và sau đó là các loại dầu hạt cải và dầu ô liu, có nhiều axit béo không bão hòa đơn.
Chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa thường không tốt cho sức khỏe. Chất béo bão hòa thường có trong các loại thịt đỏ và thịt đã qua chế biến, và có xu hướng rắn ở nhiệt độ phòng. Trong nghiên cứu, chúng bao gồm thịt bò, thịt lợn, thịt cừu, thịt xông khói, xúc xích, thịt ba chỉ, xúc xích,...
Theo nhóm nghiên cứu, việc giảm vừa phải lượng tiêu thụ thịt đỏ và thịt đã qua chế biến có thể giúp giảm tổng tỷ lệ tử vong xuống 13%, tỷ lệ tử vong do bệnh tim là 14%, tỷ lệ tử vong do ung thư là 11% và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 là 24%.