Các nhà khoa học đã tìm thấy xác một con cá voi non ở Philippines tử vong trước đó do "mất nước và chết đói" sau khi "tiêu thụ" 40 kg túi nylon, các nhà khoa học cho biết.
Nhà sinh vật học và môi trường học Darrell Blatchley cho biết con cá voi mõm khoằm Cuvier chưa trưởng thành này được tìm thấy trong tình trạng "hốc hác, mất nước" và đã "nôn ra máu trước khi chết".
Ông Blatchley, chủ tịch và người sáng lập Bảo tàng D 'Bone Collector - một bảo tàng lịch sử tự nhiên ở thành phố Davao của Philippines, cho biết nhóm của ông đã nhận được thông báo vào thứ Sáu rằng xác của một con cá voi đã được tìm thấy ở thành phố Mabini.
Con cá voi tử vong do mất nước và chết đói. Ảnh: CNN |
Sau khi tiếp cận và di chuyển thi thể con cá voi về cơ sở nghiên cứu, nhóm các nhà khoa học phát hiện ra rằng con vật này đã tử vong do nuốt phải quá nhiều rác thải.
"Tôi rất bất ngờ trước số lượng rác với khối lượng lên tới 40kg, chúng chủ yếu gồm bao tải, túi nylon" ông Blatchley nói.
Nhà nghiên cứu lưu ý rằng có rất nhiều túi nhựa trong dạ dày của con cá voi đến nỗi một số đã bắt đầu vôi hóa.
Ông nói thêm rằng Bộ Cá voi (gồm cá voi và cá heo) không uống nước từ đại dương mà lấy nước từ thức ăn chúng tiêu thụ. Con cá voi này không còn khả năng tiêu thụ một lượng lớn thức ăn do số rác nó nuốt phải, ông Blatchley nói.
Ông Peter Kemple Hardy, một nhà vận động của Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới, một tổ chức từ thiện bảo vệ động vật, đã mô tả vụ việc này như một "lời nhắc nhở bi thảm" về sự cần thiết phải "cùng nhau hướng tới các giải pháp toàn cầu" để ngăn chặn ô nhiễm nhựa trong đại dương của chúng ta.
"Hàng trăm ngàn con cá voi, cá heo, hải cẩu và rùa biển tử vong do ô nhiễm nhựa trong đại dương mỗi năm, bao gồm cả nhựa sử dụng một lần và thiết bị nhựa thuộc ngành công nghiệp đánh bắt cá", ông Hardy cho biết.