Teegarden's Star, một sao lùn đỏ loại M được phát hiện năm 2003 tiếp tục làm bất ngờ giới thiên văn khi lần đầu để lộ ra 2 "đứa con" rất giống trái đất.
Công trạng lần này thuộc về nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà khoa học Mathias Zechmeister t thuộc Viện Vật lý thiên văn tại Đại học Göttingen (Đức). 2 "bản sao trái đất này" có tới 60% khả năng là những hành tinh có môi trường ôn đới, nhiệt độ bề mặt tương đương với phần lớn các vùng trên trái đất.
"Chúng chỉ nặng hơn trái đất một chút và nằm trong khu vực có thể sinh sống trong hệ hành tinh của mình, nơi nước có thể tồn tại ở dạng lỏng" – tác giả Zechmeister cho biết.
Mô phỏng hệ hành tinh mới với 2 hành tinh giống trái đất và thuộc vùng có thể sống được - Ảnh: FORBES |
Sao mẹ Teegarden's Star thuộc chòm sao Bạch Dương (Aries), vốn rất mờ nhạt khi nhìn từ trái đất, chỉ có thể quan sát qua kính viễn vọng. Nó được đặt theo tên nhà vật lý thiên văn Bonnard J. Teegarden từ Trung tâm Bay không gian Goddard của NASA, trưởng nhóm khám phá ra ngôi sao.
Chính ánh sáng mờ nhạt từ ngôi sao là nguyên nhân 15 năm sau biết đến nó người ta mới nhận ra nó không phải ngôi sao lẻ loi mà là trung tâm của một hệ hành tinh.
Một thông tin thú vị nữa là nếu như trên 2 hành tinh nói trên thực sự có người, quỹ đạo của Hệ Mặt trời và của hệ hành tinh Teegarden's Star sẽ cho phép họ nhìn thấy trái đất khá rõ. Với khoảng cách chỉ 12,5 ánh sáng, 2 bản sao trái đất nói trên sẽ là "kho vàng" cho các nghiên cứu thiên văn sau này.
Một phần nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Astronomy and Astrophysics.