Sau đợt truy quét SIM rác, khóa 18 triệu SIM kích hoạt sẵn của Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) vào cuối năm 2016, lượng tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo đã giảm mạnh trong dịp Tết Nguyên đán 2017. Tuy nhiên, từ đầu tháng 2 tới nay, các thuê bao di động lại bị gửi tin nhắn rác với số lượng ngang ngửa thời điểm trước khi khóa SIM rác.
Cụ thể, các mẩu tin nhắn quảng cáo dạng chào bán bất động sản, SIM số đẹp, tour du lịch, thậm chí cả mời chào dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, tư vấn tình cảm liên tục được gửi tới người dùng.
Chị Thu Hương (Times City, Hà Nội), khách hàng lâu năm của Vinaphone, cho hay chỉ một buổi trưa mà chị nhận không dưới 10 tin nhắn rác, chủ yếu là quảng cáo nhà đất hoặc SIM số đẹp.
"Buổi sáng mình vừa xóa hơn chục tin nhắn rác thì trưa lại nhận, ngủ không yên vì không đọc lại lo nhỡ có tin nhắn công việc quan trọng", chị Hương bức xúc.
Chị M. Nhung (Hai Bà Trưng, Hà Nội), khách hàng đang dùng một đầu số tứ quý của Viettel, cho biết cả hai vợ chồng chị đều bị tin nhắn rác quấy rầy. Có rất nhiều tin nhắn báo chị đã trúng thưởng sản phẩm có giá trị, yêu cầu chị nhắn lại vào đầu số lạ để đăng ký lĩnh thưởng.
"Mình không rành về công nghệ, may các con trong nhà giải thích mới hiểu, mà cũng không biết làm thế nào để chặn hết loại tin nhắn này vì nhận liên tục rất khó chịu", chị Nhung chia sẻ.
Theo nhà mạng, sau đợt khóa hàng triệu SIM rác, lượng tin nhắn rác được nhiều đơn vị thống kê bên thứ ba ghi nhận đã giảm trung bình khoảng 60%, nhưng không tránh khỏi những trường hợp cá biệt. Các thuê bao này nhận nhiều tin nhắn rác, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, SIM đắt tiền... là do bị các đối tượng phát tán, cho rằng chủ thuê bao có tiềm lực về tài chính.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã khẳng định quyết tâm của Bộ về vấn đề xử lý SIM rác, tin nhắn rác: “Nếu nhà mạng không xử lý dứt điểm SIM rác hoặc chỉ làm theo đợt thì sẽ xử lý người đứng đầu doanh nghiệp viễn thông.
Bộ cũng yêu cầu các nhà mạng đầu năm tới phải hạn chế tối đa tình trạng tin nhắn rác”.