Mặc dù đã có những bất đồng và lời qua tiếng lại giữa đôi bên trước đó nhưng những lời có cánh sau đó của ông Trump gửi tới đối tác Triều Tiên đã phản ánh quyết tâm của Tổng thống Mỹ trong việc hướng tới hòa bình và phi hạt nhân ở châu Á.
Khi bắt đầu hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai với Chủ tịch Kim tại Hà Nội, ông Trump dường như sẵn sàng sử dụng các chiến thuật tương tự khi ông cho biết đã tìm ra lộ trình phi hạt nhân hóa cụ thể cho Triều Tiên. Trước khi các cuộc đàm phán chính thức bắt đầu vào thứ Năm, hai người đàn ông sẽ ăn tối với một số ít phụ tá - sự khởi đầu thân mật cho một hội nghị thượng đỉnh giữa hai quốc gia đối đầu.
"Điều thú vị là tôi đã phát triển một mối quan hệ rất, rất tốt", ông Trump nói với các thống đốc bang vào tối Chủ nhật trước khi khởi hành tới Hà Nội. "Chúng ta sẽ xem điều đó có nghĩa là gì. Nhưng ông ấy (Chủ tịch Kim) chưa bao giờ có mối quan hệ với bất kỳ ai từ đất nước này và không có nhiều mối quan hệ ở bất cứ đâu".
Mối quan hệ đã được hun đúc
Cách nhau 30 tuổi và hàng chục năm thù địch giữa Mỹ và Triều Tiên, Trump và Kim đã tạo ra một mối quan hệ được xây dựng trên những lời khen ngợi lẫn nhau. Trong những lá thư qua lại suốt 7 tháng qua, mỗi nhà lãnh đạo đã sử dụng ngôn từ hoa mỹ để mô tả và hấp dẫn cái tôi của đối phương.
Quá trình này, vốn thu hút sự chú ý của một số trợ lý an ninh quốc gia dày dạn tại Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ, đã đưa hai bên tới một cuộc hội nghị thượng đỉnh khác tại Việt Nam.
Một số trợ lý của ông Trump đã bày tỏ lo ngại về những gì ông có thể sẵn sàng nhượng bộ với Chủ tịch Kim trong nỗ lực tiến tới phi hạt nhân hóa. Trong cuộc họp năm ngoái tại Singapore, ông Trump đã đồng ý đình chỉ các cuộc tập trận quân sự Mỹ-Hàn, vốn được coi là một sự nhượng bộ lớn đối với Triều Tiên khiến cả Seoul và Lầu Năm Góc bất ngờ. Các chuyên gia về Triều Tiên lo ngại rằng đằng sau cánh cửa đóng kín, Tổng thống Trump có thể còn hứa hẹn nhiều hơn, như có thể rút hoàn toàn quân đội khỏi Hàn Quốc.
Tuy nhiên, lần này ông Trump đang hy vọng sẽ đạt được nhiều tiến bộ rõ rệt hơn trong việc loại bỏ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, các quan chức cấp cao của Mỹ cho biết. Tổng thống Mỹ đang phải chịu áp lực tại quê nhà, khi công tố viên đặc biệt Robert Mueller kết thúc cuộc điều tra về sự dính líu giữa Nga và ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2016.
Với sự thù địch chính trị đang tăng cao ở Washington, ông Trump sẽ có thể thoải mái khi tới Hà Nội, nơi các tấm pano đã được dựng lên xung quanh thành phố nhằm ca ngợi triển vọng hòa bình.
Những chiếc áo phông được in hình của hai nhà lãnh đạo đang được bán tại các cửa hàng quanh thành phố. Trước khách sạn nơi Chủ tịch Kim lưu trú có một bức tranh bằng hoa hồng với hình ảnh quốc kỳ Mỹ và Triều Tiên cùng cái bắt tay ở giữa. Đó là các hình ảnh hưởng ứng mà Trump hy vọng khi kêu gọi một hội nghị thượng đỉnh thứ hai.
Một số trợ lý của ông đã cảnh báo rằng việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai sẽ không thu hút được dư luận thế giới, nhưng Tổng thống Mỹ đã bỏ qua lời khuyên này.
Một phần của sự hấp dẫn, ông Trump tin rằng, là mối quan hệ đặc biệt với Chủ tịch Kim, đặc biệt là sau giai đoạn căng thẳng tăng cao vào năm ngoái mà đỉnh điểm là tuyên bố mình có "nút hạt nhân to hơn" so với người đồng cấp Triều Tiên.
Bạn qua thư
Sau khi đồng ý gặp mặt và các mối đe dọa nguội dần, thì mối quan hệ được hâm nóng trở lại. Dấu hiệu đầu tiên của sự trao đổi thư từ giữa hai nhà lãnh đạo xuất hiện khi một quan chức Triều Tiên đến Nhà Trắng mang theo một phong bì quá khổ có chứa thông điệp của Chủ tịch Kim.
Kể từ đó, ông Trump đã mang theo các bản sao của lá thư gần đây nhất ông nhận được từ Triều Tiên trong túi áo khoác, rút nó để cho cả bạn bè và đối thủ chính trị của mình thấy. Trong các cuộc tranh luận sôi nổi với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer trong thời gian chính phủ đóng cửa năm nay, ông Trump đã rút lá thư ra và đặt nó lên bàn và yêu cầu các đối thủ của mình đọc thông điệp - một hành động khẳng định uy tín cá nhân.
"Chúng tôi có một mối quan hệ tuyệt vời và để xem nó sẽ đi đến đâu. Ai mà biết chuyện gì sẽ xảy ra, nhưng chúng ta sẽ thấy", ông Trump phát biểu trước đám đông "Trumpettes" - nhóm ủng hộ nhà lãnh đạo này, tại khu nghỉ dưỡng cá nhân Mar-a-Lago vào cuối tuần này.
"Mối quan hệ cá nhân giữa các nhà lãnh đạo rất quan trọng. Nhưng khoảng cách giữa các quan điểm của Mỹ và Triều Tiên lại chưa thể khỏa lấp. Ý tôi là, họ thậm chí không thể đồng ý về khái niệm phi hạt nhân hóa là gì. Khoảng cách quá rộng đến nỗi có một mối quan hệ tốt giữa hai bên là chưa đủ để đạt được mục đích của đôi bên", ông Victor Cha - cố vấn kỳ cựu của Tổng thống Trump về Triều Tiên, hiện là cố vấn cấp cao của Trung tâm chiến lược và nghiên cứu quốc tế tại Washington, nhận định.
Không vội vàng cho một thỏa thuận
Tổng thống Trump đã phản bác rằng ông không vội vàng thực hiện thỏa thuận hạt nhân với Triều Tiên và cùng với đó những cuộc thử nghiệm tên lửa hay hạt nhân của Triều Tiên cũng không còn xuất hiện, đồng nghĩa với việc ván bài ngoại giao của ông Trump đang cho thấy hiệu quả.
Ông cũng cho rằng nhờ những nỗ lực kết thân của mình với Chủ tịch Kim ở Singapore, bao gồm khoảnh khắc ấm áp như đặt tay lên lưng ông Kim và sau đó cho nhà lãnh đạo Triều Tiên xem nội thất chiếc xe limousine "Quái thú" của mình
Chính trong cuộc gặp đó, lần đầu tiên Trump đã đánh giá khả năng của mình để đối phó với đối phương. Trên chuyến bay tới Singapore, ông Trump nói với các phóng viên rằng ông có khả năng đánh giá người khác chỉ trong vài phút đầu tiếp xúc.
Trong khi đó, Chủ tịch Kim cũng đã dành một giờ đồng hồ để đưa ra những lời bình luận với ông Trump trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh, theo một phụ tá có mặt tại hội nghị.
Ông Trump đùa rằng chỉ mất vài giây để đánh giá một người. Sau đó ông Kim hỏi đối phương nghĩ thế nào về mình. Tổng thống Trump đã thẳng thắn cho rằng ông Kim là một người có xu hướng lén lút, nhưng không quá lén lút.
"Nhưng ngài có tin tôi không?", Chủ tịch Kim hỏi. Tổng thống Trump nói rằng mình tin và ông phải tin nếu cả hai nhà lãnh đạo phải tin tưởng nhau nếu muốn đi đến một thỏa thuận.
Ngay sau đó, ông Kim quay sang nói với cố vấn an ninh quốc gia của Trump - ông John Bolton, một người hoài nghi về đàm phán với Bình Nhưỡng - và hỏi liệu ông cũng tin tưởng mình. Ông Bolton đáp lại rằng nếu Tổng thống Trump tin tưởng, thì ông cũng sẽ làm vậy.