Tình hình bất ổn đe dọa kinh tế Ai Cập

Ai Cập đang đối mặt với nhiều mối đe dọa an ninh liên quan đến các cuộc xung đột, khủng hoảng ở các nước láng giềng, mà bài viết trên trang mạng Arab News mô tả là những mối đe dọa bủa vây “tứ phía”.

Khói lửa bốc lên sau một cuộc không kích của Israel xuống thành phố Gaza tối 25/3/2019
Khói lửa bốc lên sau một cuộc không kích của Israel xuống thành phố Gaza tối 25/3/2019

Theo tác giả bài viết, Tiến sĩ Abdellatif El-Menawy, mối đe dọa về khủng bố xuất phát từ tất cả mọi phía bao quanh Ai Cập. Bên cạnh đó còn có những rủi ro khác liên quan đến tình trạng nhập cư bất hợp pháp, buôn lậu ma túy và các loại hàng quốc cấm. 

Tất cả những vấn đề này đang đe dọa sự ổn định của Ai Cập,khiến chính phủ nước này hết sức quan ngại, đặc biệt trong bối cảnh Ai Cập đang tiến hành cuộc đấu tranh không khoan nhượng với chủ nghĩa cực đoan trong khi vẫn phải đương đầu với nhiều thách thức, khó khăn về kinh tế. 

Ai Cập vốn là một quốc gia liên lục địa có phần lớn lãnh thổ nằm tại Bắc Phi, cùng với bán đảo Sinai thuộc Tây Á. Ai Cập giáp Địa Trung Hải ở phía Bắc, có biên giới với Dải Gaza và Israel về phía Đông Bắc, Sudan về phía Nam và Libya về phía Tây.

Tại Gaza, vùng lãnh thổ mà phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine đang kiểm soát, trong thời gian gần đây liên tục nổ ra các cuộc biểu tình phản đối Hamas. Phong trào mang tên “Chúng tôi muốn được sống” ở Gaza đã kêu gọi tổng bãi công để đáp trả các cuộc trấn áp của Hamas cũng như những chính sách của tổ chức này, vốn gây ra sự suy thoái kinh tế và khiến đời sống của người dân Gaza khốn khó hơn. 

Một số khu vực ở Dải Gaza,trong đó có Khan Younis và Deir Al-Balah, đã chứng kiến nhiều cuộc biểu tình, và một thanh niên trẻ thậm chí đã tự thiêu để phản đối điều kiện sống khó khăn tại đây. 2 triệu người ở Gaza kêu than về điều kiện kinh tế khó khăn và các dịch vụ xã hội yếu kém ở vùng lãnh thổ này, vốn nằm dưới sự kiểm soát của Hamas từ năm 2007. 

Tình hình bất ổn tại Gaza được cho là dấu hiệu báo trước một cuộc khủng hoảng mới đối với Ai Cập, vốn gần đây đã phải đối phó với sự xâm nhập của lực lượng phiến quân có vũ trang thông qua các đường hầm nối Dải Gaza và Sinai thuộc Ai Cập. 

Quân đội Ai Cập đang nỗ lực quét sạch các phần tử khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ra khỏi Bán đảo Sinai thì nay lại phải đối phó với những phiến quân thâm nhập từ Gaza. Ai Cập đã phát hiện và lấp kín một số lượng lớn các đường hầm. 

Các lực lượng chống khủng bố ở Bắc Sinai, phối hợp với lực lượng công binh, đã phát hiện và phá hủy 9 đường hầm. Những đường hầm này dẫn tới 3 đường hầm chính nằm trên biên giới Gaza, có độ sâu 30 mét và chiều dài tới 3 km. 

Những tuyến đường hầm này được các phần tử khủng bố sử dụng để thâm nhập vào lãnh thổ Ai Cập, vận chuyển trái phép các loại vũ khí, đạn dược và vật liệu nổ. Mới đây, một số phương tiện đã bị phát hiện và phá hủy, ngoài ra còn có 40 quả bom cùng nhiều vật liệu dùng để chế tạo các thiết bị nổ tự chế cũng được phát hiện ở khu vực này.

Trong khi đó, khu vực biên giới phía Tây của Ai Cập giáp với Libya có chiều dài 1.115 km, điều này cũng có nghĩa là rất khó có thể kiểm soát hoàn toàn khu vực này. Libya đã trở thành một trong những trung tâm chính tập trung nhiều nhóm cực đoan sau khi chính quyền của cố Tổng thống Muammar Gaddafi sụp đổ. 

Tại quốc gia láng giềng này, nhiều lực lượng đang chiến đấu để tranh giành quyền lực, trong đó có cả những nhóm vũ trang bất hợp pháp. Quân đội Ai Cập gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát khu vực biên giới phía Tây nước này. Các lực lượng vũ trang thường xuyên thông báo về việc phá hủy các phương tiện hay hang ổ của những phần tử khủng bố nằm sát vùng biên giới Ai Cập.

Còn ở phía Nam là Sudan, vốn chưa bao giờ được coi là vùng biên giới an toàn do địa hình núi non hiểm trở. Nhà chức trách Ai Cập phải lo đối phó với tình trạng buôn lậu vũ khí và ma túy từ Sudan vào lãnh thổ nước này. Ngoài ra, nhiều đối tượng nguy hiểm thâm nhập vào Ai Cập từ hướng này, sử dụng Ai Cập làm bàn đạp để tiến về phía Israel. 

Mặc dù tình trạng buôn lậu vũ khí ở khu vực biên giới phía Tây diễn ra phổ biến hơn khu vực phía Nam trong những năm gần đây, nhưng lực lượng biên phòng Ai Cập ở đây vẫn phải tiếp tục nỗ lực đấu tranh ngăn chặn tình trạng này. Ngoài ra, tình hình chính trị ở Sudan cũng đang có nhiều diễn biến phức tạp, các cuộc biểu tình nổ ra ở nhiều nơi thuộc nước này. 

Các cuộc biểu tình đã diễn ra và kéo dài suốt mấy tháng qua liên quan đến các điều kiện kinh tế xuống cấp và giá cả nhu yếu phẩm, lạm phát tăng cao. Thực tế, người dân Sudan đã phải gánh chịu vô vàn khó khăn trong nhiều năm liền do những vấn đề về kinh tế vốn gây ra sức ép lớn đối với quốc gia này. 

Tháng Hai vừa qua, Tổng thống Sudan Omar al-Bashir đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong bối cảnh các cuộc biểu tình gia tăng tại quốc gia châu Phi này. 

Cuối cùng là bờ biển phía Bắc nước này, với chiều dài 1.050 km chạy dọc theo Biển Địa Trung Hải. Đây cũng chính là nơi chứng kiến tình trạng di cư bất hợp pháp xảy ra tại lãnh hải của Ai Cập, cùng với đó là tình trạng phạm tội hình sự, trong đó có buôn người và cả buôn bán nội tạng người cũng diễn ra ở đây. 

Một số tổ chức quốc tế đã coi Ai Cập, vốn nằm gần châu Âu, là trung tâm trung chuyển của những người di cư bất hợp pháp. Vấn đề nan giải nhất chính là những người châu Phi và những người di cư từ các nước xảy ra xung đột - như Libya, Yemen và Syria - đến Ai Cập để tìm cách di cư trái phép bằng thuyền sang châu Âu. 

Lịch sử cho thấy Ai Cập luôn phải đối mặt với nhiều mối đe dọa từ khắp các khu vực biên giới của nước này mà nguyên nhân có thể là do vị trí trung tâm của Ai Cập ở Trung Đông.

Theo TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.