Phát quyết trên của Tòa án Tối cao là đòn giáng mạnh vào nỗ lực của Tổng thống mãn nhiệm Donald Trump cũng như đội ngũ pháp lý của ông trong chiến dịch thách thức pháp lý kéo dài nhằm đảo ngược kết quả bầu cử năm 2020.
Ngày 7/12, Texas đã khởi kiện 4 bang "chiến địa" gồm Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin lên Tòa án Tối cao.
Người đứng đầu cơ quan tư pháp bang Texas Ken Paxton, thuộc đảng Cộng hòa, khởi kiện với cáo buộc 4 bang trên kéo dài thời gian bỏ phiếu qua bưu điện do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, cho rằng động thái này là phạm pháp.
Ông Paxton đề nghị Tòa án Tối cao lập tức ngăn chặn 4 bang này sử dụng kết quả bỏ phiếu này để chọn đại cử tri, đồng thời kiến nghị tòa hoãn việc cử tri đoàn chính thức bầu tổng thống ngày 14/12 tới.
Tuy nhiên, 6 trong 9 thẩm phán Tòa án Tối cao không đồng ý thụ lý vụ kiện này, do đó, tòa đã quyết định rằng bang Texas không có tư cách pháp lý để khởi kiện cách thức các bang khác tiến hành bầu cử.
Trước khi Tòa án Tối cao bác đơn kiện, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng bày tỏ ủng hộ vụ kiện của bang Texas, đề nghị Tòa án Tối cao chặn hàng triệu phiếu bầu ở 4 bang chiến địa trên.
Ông Trump cũng đề nghị 9 thẩm phán Tòa án Tối cao cho phép ông can thiệp và trở thành bên nguyên đơn trong vụ kiện của bang Texas.
Ngoài ra, 17 bang đã đệ đơn ủng hộ Texas gồm Missouri, Alabama, Arkansas, Florida, Indiana, Kansas, Louisiana, Mississippi, Montana, Nebraska, North Dakota, Oklahoma, South Carolina, South Dakota, Tennessee, Utah và West Virginia.
Trong số các bang này, trừ 3 bang, số còn lại đều có thống đốc là người thuộc đảng Cộng hòa.
Phản ứng trước động thái này của phe Cộng hòa, 22 bang ủng hộ phe Dân chủ cũng đồng loạt nộp đơn ủng hộ các bang bị kiện, kêu gọi Tòa án tối cao Mỹ bác đơn kiện.
Hiện Nhà Trắng chưa đưa ra bình luận nào về thông tin trên. Trong khi đó, người phát ngôn của Tổng thống đắc cử Joe Biden cho biết "không ngạc nhiên" khi Tòa án Tối cao bác "những nỗ lực vô căn cứ" nhằm phủ nhận việc Tổng thống Trump đã thất bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng vừa qua.