Tây Virginia hôm qua (9/12) đã trở thành bang cuối cùng chứng nhận kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ. Dù tại bang này chiến thắng thuộc về Tổng thống đương nhiệm Donald Trump với 5 phiếu đại cử tri, song kết quả này không đủ để xoay chuyển cục diện. Với 232 phiếu đại cử tri nhận được tới nay, ông Donald Trump vẫn còn cách khá xa con số 270 cần thiết. Trước đó, bang chiến trường Georgia cũng đã chứng nhận kết quả bầu cử.
Quan chức phụ trách vấn đề đối ngoại của Georgia Brad Raffensperger nhấn mạnh: “Đã 34 ngày trôi qua kể từ cuộc bầu cử hôm 3/11, tính hợp pháp của cuộc bầu cử đã được chứng minh. Chúng ta đã 3 lần xem xét lại phiếu bầu và kết quả vấn không thay đổi. Tất cả những thông tin hay đồn đoán nào về một cuộc bầu cử bị đánh cắp đều gây tổn hại đến Georgia”.
Trên thực tế, Hiến pháp Mỹ quy định các bang buộc phải xác nhận danh sách đại cử tri bỏ phiếu bầu tổng thống vào ngày 8/12 và sáu ngày sau, tức ngày 14/12, 538 đại cử tri từ 50 bang và đặc khu Columbia, tức thủ đô Washington sẽ chính thức bỏ phiếu nhằm xác định chủ nhân Nhà Trắng cho nhiệm kỳ tới. Cột mốc 8/12 được báo giới Mỹ gọi là “ngày khóa cảng”, bởi sau ngày này, kết quả cuộc đua vào Nhà Trắng gần như sẽ an bài một cách hợp pháp và chính danh. Tuy nhiên, tiến trình này năm nay ít nhiều bị ảnh hưởng do ông Donald Trump tới nay vẫn chưa thừa nhận thất bại và đang thúc đẩy hàng chục vụ kiện tụng trong nỗ lực lật ngược kết quả.
“Hãy đợi xem chính quyền tiếp theo sẽ là ai? Chúng ta đã chiến thắng tại những bang chiến địa này. Những gì chúng ta đã làm được là không thể tin được và hi vọng chính quyền tiếp theo sẽ là chính quyền của Tổng thống Donald Trump, một sự tiếp nối đã giúp chúng ta được chứng kiến thị trường chứng khoán tăng cao nhất trong lịch sử, số lượng việc làm cũng cao nhất mà chúng ta từng có”, ông Trump tuyên bố.
Trong một dấu hiệu cho thấy quyết tâm theo đuổi đến cùng cuộc chiến, Tổng thống Donald Trump hôm qua tuyên bố sẽ “trực tiếp tham gia” vào đơn kiện của Texas đối với kết quả bầu cử tại 4 bang Georgia, Wisconsin, Michigan và Pennsylvania. Đơn kiện được gửi thẳng tới Tòa án Tối cao và được coi là nỗ lực pháp lý cuối cùng nhằm giúp ông Donald Trump đảo ngược thất bại trước ông Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống.
Theo Giáo sư Paul Smith thuộc Trung tâm Luật thuộc Đại học Georgetown, dù được phép theo Hiến pháp Mỹ, song vụ một tiểu bang kiện quá trình bầu cử ở các bang khác ra Tòa án tối cao là điều “chưa từng có tiền lệ”. Tòa án Tối cao hiện có 6 thẩm phán bảo thủ, trong đó 3 người do Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan này nhiều khả năng sẽ không xét xử vụ kiện bởi ở những bang này, ông Biden đều chiến thắng với cách biệt từ vài chục tới vài trăm nghìn phiếu phổ thông. Trên thực tế, dù chiến dịch của ông Donald Trump đã nộp hàng chục đơn kiện tới tòa án 4 tiểu bang nói trên, cáo buộc gian lận bầu cử xảy ra diện rộng, song chưa vụ kiện nào giúp phe ông thay đổi kết quả ở những bang này./.