Ngày 15/11/2021, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM (Tòa cấp cao) xét xử giám đốc thẩm, chấp nhận toàn bộ kháng nghị của Viện kiểm sát, hủy cả hai bản án sơ thẩm, phúc thẩm của Tòa quận 7, Tòa TPHCM đã từng công nhận Công ty Kim Oanh trúng đấu giá 50 hecta đất tại Dự án Hòa Lân với lý do việc đấu giá không đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch, công bằng. Nhà nước đã thất thoát số tiền đặc biệt lớn, hơn 1.237 tỷ đồng.
“Nhóm lợi ích” vi phạm nghiêm trọng
Sau khi Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM kháng nghị, nêu ra hàng loạt các vi phạm của quá trình đấu giá, Công ty Kim Oanh cùng các đương sự khác quyết liệt “tố” Viện kiểm sát, đồng thời đề nghị công nhận kết quả Công ty Kim Oanh trúng đấu giá 50 hecta đất tại Dự án Hòa Lân, Bình Dương với số tiền 1.353 tỷ đồng, trong khi giá trị thực của Dự án này có thể lên đến khoảng nhiều nghìn tỷ đồng, lớn hơn con số trúng đấu giá rất nhiều lần.
Dù không có năng lực tài chính, không đủ điều kiện theo Luật kinh doanh bất động sản, Công ty Thiên Phú vẫn được UBND tỉnh Bình Dương cho làm chủ đầu tư 3 Dự án khu dân cư Mỹ Phước, Cầu Đò và Hòa Lân với tổng diện tích hơn 130 ha. Khả năng tài chính yếu kém, chưa được giao đất nhưng Công ty Thiên Phú vẫn được Ngân hàng nông nghiệp Chợ Lớn cho vay 592 tỷ đồng triển khai dự án.
Thanh tra Chính Phủ đã nhận định “việc làm trái nói trên cho thấy có dấu hiệu của sự thông đồng giữa cán bộ ngân hàng nhà nước và Công ty Thiên Phú để rút vốn vay ngân hàng”, do vụ việc có “dấu hiệu cấu thành tội phạm” nên kiến nghị “chuyển cơ quan điều tra xử lý theo đúng quy định pháp luật”.
Theo Tòa cấp cao, Công ty Thiên Phú được giao hơn 24 hecta đất không thu tiền tại Dự án Hòa Lân. Theo Luật đất đai, “tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất không có quyền …chuyển nhượng, … thế chấp quyền sử dụng đất”. Nhà nước giao đất không thu tiền để chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ lợi ích công cộng, việc Ngân hàng và Công ty Thiên Phú dùng đất này làm tài sản thế chấp và sau đó Ngân hàng đem bán đấu giá là trái pháp luật.
Theo luật, kết quả thẩm định giá có hiệu lực 6 tháng, Ngân hàng nông nghiệp và Công ty đấu giá Nam Sài Gòn đã sử dụng chứng thư thẩm định giá hết hiệu lực để xác định giá khởi điểm bán đấu giá. Ngày 25/5/2017, Công ty Kim Oanh trúng đấu giá 50 hecta đất tại Dự án Hòa Lân với số tiền 1.353 tỷ đồng. Theo định giá của một đơn vị độc lập, chuyên nghiệp, giá của khu đất vào thời điểm đấu giá là hơn 2.760 tỷ đồng.
Theo quy chế và Hợp đồng đấu giá, “trong thời hạn 45 ngày làm việc, kể từ ngày đấu giá thành, bên trúng đấu giá phải thanh toán toàn bộ số tiền trúng đấu giá…”. Tuy nhiên, sau gần 2 năm, kể từ ngày trúng đấu giá, Công ty Kim Oanh mới thanh toán hết số tiền trúng đấu giá. Theo quy định pháp luật, việc chậm thanh toán của Công ty Kim Oanh là căn cứ để hủy kết quả đấu giá nhưng Ngân hàng không thực hiện.
Công ty đấu giá Nam Sài Gòn do ông Nguyễn Việt Hưng làm Chủ tịch HĐQT, ông Hưng cũng là Phó trưởng phòng hàng chính nhân sự của Ngân hàng nông nghiệp Chợ Lớn, một trong bảy thành viên Hội đồng xử lý tài sản của Công ty Thiên Phú. Việc chọn Công ty đấu giá vi phạm nguyên tắc khách quan theo quy định pháp luật.
Nhà nước thất thoát đặc biệt lớn?
Theo Kháng nghị, Viện cấp cao 3 nêu rõ đơn vị trúng đấu giá đất cả 3 dự án Cầu Đò, Mỹ Phước, Hòa Lân với tổng diện tích hơn 130 ha đất tại Bình Dương là Công ty Kim Oanh và Công ty Thuận Lợi có liên quan đến nhau, do vợ chồng bà Đặng Thị Kim Oanh điều hành, “Cả hai đơn vị này được Ngân hàng nông nghiệp Chợ Lớn tạo điều kiện thuận lợi, ưu đãi trong việc cho phép chậm thanh toán, trường hợp này có dấu hiệu của “lợi ích nhóm” lợi dụng kẽ hở của luật đấu giá nhằm thâu tóm các dự án với giá thấp”.
Ngân hàng nông nghiệp Chợ Lớn bán đấu giá cả ba dự án đều với những “kịch bản” giống nhau, “các vi phạm này được thiết lập trên một phương thức chung, đó là: Tạo ra những quy định đấu giá khắt khe, nhưng sau khi đấu giá thành thì có sự thay đổi Quy chế theo hướng tạo thuận lợi hơn cho bên trúng đấu giá”. Quy chế yêu cầu thanh toán tiền trong hạn 45 ngày, nhưng sau khi trúng thì kéo dài nhiều năm. Quy chế yêu cầu phải có sự chấp thuận của UBND tỉnh về chuyển nhượng dự án, nhưng sau khi bán đấu giá thì bỏ điều kiện này.
Sau khi xem xét kháng nghị của Viện kiểm sát, Tòa cấp cao kết luận có nhiều vi phạm trong việc Ngân hàng cấp tín dụng, thế chấp, xử lý tài sản, vi phạm nguyên tắc khách quan, công khai, minh bạch, công bằng. Ngân hàng nông nghiệp là doanh nghiệp Nhà nước, sau khi xử lý toàn bộ tài sản của Công ty Thiên Phú, Ngân hàng vẫn thu không đủ số nợ, thiếu hơn 1.237 tỷ đồng, “Thực tế Công ty Thiên Phú không còn hoạt động và không có khả năng thi hành án nên Nhà nước bị thất thoát số tiền đặc biệt lớn này”.
Để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, Tòa cấp cao đã chấp nhận toàn bộ Quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, phúc thầm đã từng công nhận Công ty Kim Oanh trúng đấu giá đất tại Dự án Hòa Lân, giao cho Tòa án quận 7 xử lại sơ thẩm.
Theo bình luận của một luật sư, quyết định của Viện kiểm sát và Tòa cấp cao là đúng đắn, cần khởi tố vụ án hình sự để xem xét toàn diện việc cho vay, xử lý tài sản thế chấp của Công ty Thiên Phú ở cả 3 Dự án Cầu Đò, Mỹ Phước, Hòa Lân nhằm thu hồi tiền cho Nhà nước. Số tiền hàng ngàn tỷ Ngân hàng không thu được là hậu quả đã xảy ra, việc Viện kiểm sát và Tòa hủy án và yêu cầu xét xử lại là nhằm khắc phục hậu quả, nằm ngoài ý chí của các bên.
Trước đó, ngày 26/6, Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP. HCM ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án phúc thẩm số 264/2021/KDTM-PT ngày 24/3/2021 của TAND TPHCM. Theo đó, Viện cấp cao 3 kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án sơ thẩm số 99/2020/KDTM-ST ngày 12/11/2020 của TAND quận 7 và Bản án phúc thẩm số 264/2021/KDTM-PT ngày 24/3/2021 của TAND TPHCM.
Theo nội dung Kháng nghị, Tòa án cấp sơ thẩm không làm rõ những vi phạm nghiêm trọng của Agribank Chợ Lớn, Công ty Nam Sài Gòn, Công ty Thế Hệ Mới, Văn phòng công chứng Thành Phố Mới trong việc vi phạm nguyên tắc khách quan, công khai, minh bạch, công bằng trong đấu giá tài sản; Sử dụng chứng thư hết hạn, vi phạm nguyên tắc định giá tài sản; Vi phạm điều cấm của luật trong việc thế chấp, đấu giá và chuyển nhượng là quyền sử dụng đất mà Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất; Vi phạm Luật Công chứng; Tính sai giá và diện tích của tài sản đấu giá; Cố tình bao che và không có biện pháp xử lý quyết liệt đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ thanh toán của đơn vị trúng đấu giá... Đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TPHCM xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy hai bản án nêu trên, để giải quyết lại.
Được biết, Công ty Kim Oanh là doanh nghiệp “thâu tóm” Công ty Tân Phú với giá 350 tỷ đồng, thấp bất thường, thấp hơn cả giá vốn của bên bán, nhưng lại có ngay 43 ha đất “vàng” tại Thủ Dầu Một, Bình Dương trị giá hàng ngàn tỷ đồng của Tổng công ty 3/2. Vụ án hình sự này được Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi chỉ đạo.