Phát biểu tại cuộc họp Chính phủ ngày 27/2, Tổng thống Yoon Suk Yeol nhấn mạnh kế hoạch cải cách y tế “không thể là chủ đề của đàm phán hay thỏa hiệp”. Ông cũng bác những lời kêu gọi Chính phủ cần đạt được thỏa thuận với các bác sĩ đình công để ngăn cuộc khủng hoảng về dịch vụ chăm sóc sức khỏe kéo dài.
Trước đó, hôm 23/2, một bệnh nhân 80 tuổi đã qua đời ở tỉnh Daejeon do ngưng tim sau khi 7 bệnh viện từ chối nhận vì thiếu nhân viên. Trong khi đó, một em bé 1 tuổi gặp vấn đề về hô hấp ở thành phố Changwon, tỉnh Nam Gyeongsang đã phải di chuyển 3 tiếng để đến thành phố Jinju, sau khi bị các bệnh viện ở Changwon từ chối cho nhập viện.
Hàn Quốc hiện có 2,5 bác sĩ trên 1.000 dân - một trong những tỷ lệ thấp nhất trong số các nước phát triển. Để giải quyết tình trạng thiếu hụt bác sĩ, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và các lĩnh vực y tế thiết yếu như phẫu thuật rủi ro cao, nhi khoa, sản khoa và y học khẩn cấp, Hàn Quốc đang thúc đẩy việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh y khoa.
Tổng thống Yoon Suk Yeol dẫn kết luận của nhiều tổ chức nghiên cứu nêu rõ trong 10 năm tới, Hàn Quốc cần thêm khoảng 10.000 bác sĩ nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng với các dịch vụ y tế. Do đó, theo ông, việc tăng số lượng tuyển sinh là cần thiết.
Người dân Hàn Quốc đang đứng về phía Chính phủ, với một cuộc khảo sát gần đây của Gallup cho thấy 76% số người được hỏi ủng hộ việc tăng chỉ tiêu của trường y.
Tuy nhiên, các bác sĩ phản đối kế hoạch này cho rằng Chính phủ Hàn Quốc nên tập trung vào việc bảo vệ y bác sĩ trước các vụ kiện y tế, cải thiện chế độ đãi ngộ để thu hút thêm bác sĩ hành nghề.
Theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc, gần 70% sinh viên y khoa toàn quốc, tương đương 13.000 sinh viên, đã nộp đơn nghỉ học tại các trường y trên cả nước, trong đó sinh viên tại 6 trường y đã tẩy chay lớp học trong ngày 26/2.