Tổng thống Biden đã có ý định giải quyết chính sách tiêm chủng của mình trong chuyến đi tới Chicago nhưng hai chính sách đối nội lớn khác của ông - dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1,2 nghìn tỷ USD và gói chi tiêu xã hội, không được Quốc hội thông qua do sự chia rẽ đảng phái.
"Ông ấy hiện sẽ ở lại Nhà Trắng để tiếp tục làm việc và thúc đẩy hai dự luật này nhằm tạo ra việc làm", một quan chức Nhà Trắng cho biết.
Các nhà lập pháp cũng đang cố gắng phá vỡ thế bế tắc về viễn cảnh một vụ vỡ nợ lần đầu tiên của nước Mỹ sẽ đẩy nền kinh tế vào vòng xoáy suy thoái.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cảnh báo chính phủ có khả năng cạn kiệt tiền mặt vào ngày 18/10, trừ khi Quốc hội nâng giới hạn vay liên bang.
"Sau hạn chót đó, ngân sách chính phủ sẽ nhanh chóng cạn kiệt và không chắc liệu chúng ta có thể tiếp tục đáp ứng tất cả các cam kết của quốc gia sau ngày đó hay không", bà Yellen viết trong bức thư gửi các nghị sĩ tại Quốc hội.
Sự bế tắc đã thúc đẩy tình trạng bán tháo ở Phố Wall, sau khi Bộ trưởng Yellen cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng của viễn cảnh vỡ nợ nếu các nhà lập pháp không hành động nhanh chóng.
Nhưng đảng Cộng hòa nói rằng họ sẽ không đồng thuận tăng hoặc đình chỉ giới hạn nợ, mặc dù từng thúc ép điều này dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, vì họ không muốn tham gia vào kế hoạch chi tiêu của đảng Dân chủ, bao gồm gói cải cách xã hội trị giá 3,5 nghìn tỷ USD.
Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer đã cố gắng nâng giới hạn vay cho đến tháng 12 năm 2022 mà không có bất kỳ phiếu bầu nào của đảng Cộng hòa.
Ông Schumer đã yêu cầu sự đồng thuận của Thượng viện, mà đảng Dân chủ chiếm đa số, để bỏ qua ngưỡng 60 phiếu bầu thông thường được yêu cầu đối với hầu hết các dự luật và thay vào đó chuyển sang một cuộc bỏ phiếu.
"Đảng Cộng hòa nói rằng họ muốn hoàn thành việc đó chỉ với những lá phiếu của đảng Dân chủ. Các đảng viên Dân chủ đã sẵn sàng làm điều đó và hãy tổ chức cuộc bỏ phiếu đó ngay hôm nay", ông Schumer tuyên bố.
Nhưng lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell từ chối quyết định này, nhấn mạnh rằng: "không có cơ hội nào để đảng Cộng hòa giúp các đảng viên Dân chủ tiết kiệm thời gian và sức lực để họ có thể tiếp tục thông qua chủ nghĩa xã hội đảng phái càng nhanh càng tốt."
Ông McConnell đã nhiều lần lập luận rằng gánh nặng chính trị của việc tăng hoặc đình chỉ giới hạn nợ một lần nữa nên rơi vào tay đảng Dân chủ vì họ kiểm soát Hạ viện, Thượng viện và Nhà Trắng.
Phát bieeur trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện, Bộ trưởng Yellen cho rằng việc tăng giới hạn nợ là một "trách nhiệm chung" mà cả hai bên nên ủng hộ.
Nếu không đạt được thỏa thuận, chính phủ sẽ không thể trả lương cho công nhân viên chức, các dịch vụ công sẽ bị đóng cửa, theo bà Yellen.
Hạ viện Mỹ đã thông qua một nghị quyết để gia hạn nợ cho đến ngày 3/12. Nhưng Thượng viện đã từ chối kế hoạch này.
Việc nâng giới hạn nợ không làm tăng chi tiêu, mà chỉ cho phép Bộ Tìa chính tài trợ cho các dự án đã được Quốc hội thông qua, bao gồm hàng nghìn tỷ USD viện trợ được triển khai trong đại dịch.
Trong bức thư mới nhất gửi tới các nhà lập pháp, Yellen cho biết việc phê duyệt nhanh chóng là rất quan trọng vì "việc chờ đợi cho đến phút cuối cùng có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp, tăng chi phí đi vay cho người nộp thuế và tác động tiêu cực đến xếp hạng tín dụng của Mỹ trong nhiều năm tới."