Phát biểu tại phiên khai mạc, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh hợp tác đa phương là điểm trung tâm và tầm nhìn định hướng đối với LHQ. Trong 78 năm qua, hệ thống chủ nghĩa đa phương đã mang lại những thành tựu rõ rệt. Các công cụ, cơ chế được đề ra trong Hiến chương LHQ đóng vai trò quan trọng trong ngăn chặn một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba, mở đường để ngoại giao phòng ngừa do LHQ dẫn dắt phát huy huy hiệu lực trong xử lý xung đột. Các chiến dịch gìn giữ hòa bình do LHQ đảm trách giúp nhiều nước thoát khỏi chiến tranh, cứu sống nhiều triệu mạng người. LHQ cũng đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tiến bộ kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, ngăn ngừa dịch bệnh, ngặn chặn phổ biến hạt nhân trên phạm vi toàn cầu.
Theo Tổng thư ký LHQ, thế giới đang đối mặt với nhiều khủng hoảng chưa có tiền lệ và hệ thống đa phương quốc tế hiện chịu áp lực lớn nhất kể tư khi LHQ được thành lập năm 1945. Căng thẳng giữa các nước lớn ở vào giai đoạn cực điểm, cùng với đó là nguy cơ xung đột đến từ hành động phưu lưu, tính toán sai lầm. Chiến tranh tại Ukraine gây ra những hệ quả thảm khốc, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu. Nhiều cuộc xung đột vẫn chưa tìm ra lối thoát, như tại Myanmar, Somali, Cộng hòa Dân chủ Congo và mới nhất là giao tranh ở Sudan.
Ông Guterres nhấn mạnh phản ứng và hành động đa phương hiệu quả là điều đặc biệt cần thiết để ngăn chặn, xử lý xung đột, kiểm soát bất ổn kinh tế, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, giải quyết các thách thức đặt ra đối với các nguyên tắc toàn cầu về sở hữu vũ khí nhân, khủng hoảng khú hậu, nguy cơ khủng bố, sự phát triển của các công nghệ nguy hiểm chưa có cơ chế giám sát. Tổng thư ký LHQ nhìn nhận, để phát huy vai trò của chủ nghĩa đa phương, cộng đồng quốc tế cần phối hợp tốt hơn, hành động xa hơn và nhanh hơn, dựa trên những nguyên tắc cơ bản sau:
Một là, các nước tái cam kết về nghĩa vụ tuân thủ đối với Hiến chương LHQ; đặt nhân quyền và phẩm giá con người lên trước hết, ưu tiên cho mục tiêu ngăn chặn xung đột và khủng hoảng. Cần duy trì hợp tác giữa các quốc gia trên nền tảng tôn trọng chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Hai là, các nước thành viên LHQ cần sử dụng triệt để các công cụ ngoại giao có trong Hiến chương LHQ để đưa ra giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột, giúp giải quyết tranh chấp và bảo đảm hòa bình.
Ba là, cần có những cam kết lớn về xử lý các thách thức đang nổi, giải quyết những hạn chế trong nền điều hành toàn cầu để đạt được mục tiêu trong Hiến chương của LHQ ở thế kỷ 21. Đa số các nước thành viên LHQ đều nhận thấy rằng cải cách tại HĐBA sẽ mang lại lợi ích cho chính tổ chức này, tương thích với thực tế địa chính trị hiện tại. Tương tự như vậy là nhu cầu cải tổ các thiết chế dựa trên hệ thống Bretton Woods để phù hợp với kinh tế toàn cầu ngày nay.
Trong phần cuối của bài phát biểu, TTK LHQ nhấn mạnh đây là thời điểm tăng cường hợp tác rộng, phát huy vai trò của các thiết chế đa phương nhằm tìm kiếm giải pháp thống nhất cho những thách thức chung toàn cầu. Hệ thống đa phương dựa trên Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế là công cụ hiệu quả nhất để điều phối các tranh chấp một cách hòa bình. Cạnh tranh giữa các nước là điều khó tránh khỏi, nhưng không được phép để cạnh tranh tước đi cơ hội hợp tác về những điểm có lợi ích chung, không nên để cạnh tranh leo thang thành đối đầu.