Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres ngày 20/7 cho rằng thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh đã qua và thế giới đang bước vào một kỷ nguyên đa cực mới, được đánh dấu bằng mức độ căng thẳng địa chính trị và cạnh tranh cường quốc lớn nhất trong nhiều thập kỷ.
Ông Guterres cảnh báo rằng những chia rẽ này đang làm suy yếu nền tảng của LHQ - nơi tất cả các quốc gia cùng hợp tác để giải quyết các thách thức toàn cầu.
Người đứng đầu LHQ chỉ ra một loạt thách thức: xung đột phức tạp và sát thương hơn, tái xuất hiện mối lo ngại về chiến tranh hạt nhân, bất bình đẳng gia tăng trong và giữa các quốc gia, chủ nghĩa khủng bố lan rộng, tình trạng khẩn cấp về khí hậu, gia tăng mất lòng tin vào các thể chế công và vấn đề nhân quyền đang bị tấn công trên toàn cầu “bao gồm cả sự phản đối nguy hiểm đối với quyền của phụ nữ”.
Tổng Thư ký LHQ cho biết cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022 đã khiến việc giải quyết những thách thức trên càng trở nên khó khăn hơn. Ông Guterres cho rằng nếu mọi quốc gia thực hiện nghĩa vụ của mình theo Hiến chương LHQ, thì “quyền hòa bình sẽ được đảm bảo”.
Người đứng đầu LHQ cũng đưa ra tầm nhìn "ảm đạm" của mình về thế giới trong một báo cáo chính sách “Chương trình nghị sự mới vì hòa bình” của ông trước các nhà ngoại giao từ 193 quốc gia thành viên của tổ chức này. Ông nói, đó là nỗ lực của LHQ nhằm giải quyết các mối đe dọa mới.
Ông Guterres nhấn mạnh tầm quan trọng thiết yếu của việc duy trì chủ nghĩa đa phương, nêu rõ: “Trong thế giới đầy chia rẽ và phức tạp, các quốc gia có trách nhiệm duy trì thể chế phổ quát của chúng ta. Giờ là lúc để hành động".
Chương trình nghị sự vì hòa bình ban đầu được trình bày bởi Tổng Thư ký LHQ Boutros Boutros-Ghali vào năm 1992 sau khi Liên Xô tan rã và Chiến tranh Lạnh với Mỹ kết thúc. Báo cáo hoan nghênh việc chấm dứt “sự thù địch và ngờ vực” giữa các siêu cường và vạch ra cách thức LHQ có thể đẩy mạnh hoạt động của mình về ngoại giao phòng ngừa, gìn giữ hòa bình và xây dựng hòa bình.
Richard Gowan, quan chức LHQ phụ trách Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, cho biết: “Chương trình nghị sự mới vì hòa bình” của ông Guterres nhấn mạnh rằng “động lực cho chủ nghĩa đa phương mới phải là ngoại giao”.
Trong một phân tích về chương trình nghị sự mới, ông Gowan cho biết chương trình tập trung vào những gì các quốc gia thành viên cần làm và hợp tác đa phương trong một thế giới ngày càng bị chia rẽ và bất bình đẳng “trong đó Tổng Thư ký Guterres tin rằng LHQ phải thích ứng để tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác quốc tế".
Sau báo cáo của ông Guterres, nhiều quốc gia đã bày tỏ phản ứng ban đầu đối với chương trình nghị sự được đề xuất với sự ủng hộ mạnh mẽ từ EU và các nước khác. Tuy nhiên, Ai Cập cho biết một số đề xuất quá tham vọng và Nga cảnh báo không can thiệp vào công việc nội bộ, đồng thời phản đối chương trình nghị sự nhấn mạnh vào nhân quyền cũng như gọi cách tiếp cận đối với vấn đề khí hậu là "gây tranh cãi".