Nỗi lo thách thức hội nhập
Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khi tham gia AEC, số việc làm của Việt Nam sẽ tăng lên 14,5% vào năm 2025. Trong giai đoạn 2015 - 2025, nhu cầu đối với việc làm cần tay nghề trung bình nói chung sẽ tăng nhanh nhất, ở mức 28%, lao động có trình độ kỹ năng thấp là 23% và lao động có kỹ năng cao sẽ tăng 13% và sẽ có thêm nhiều cơ hội cải thiện cuộc sống của hàng triệu người.
Tuy nhiên, trước những cơ hội việc làm khi tham gia thị trường lao động quốc tế, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực lao động vẫn bày tỏ những lo ngại về chất lượng lao động Việt Nam. Trong nghiên cứu của ILO với tựa đề “Cộng đồng ASEAN 2015: Quản lý hội nhập hướng tới việc làm tốt hơn và thịnh vượng chung”, các chuyên gia của ILO cho rằng, lao động Việt Nam thiếu chuyên môn, chưa được đào tạo, các kỹ năng được trang bị không phù hợp với đòi hỏi của thị trường và nhiều lao động phải đào tạo lại.
Lao động Việt Nam thường bị đánh giá thấp về ngoại ngữ cùng các kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả. Cùng với đó, nhân sự cao cấp của Việt Nam so với các nước trong khu vực vẫn còn khoảng cách khá lớn. Trình độ lao động của Việt Nam còn hạn chế về kỹ năng nghề đang gây khó khăn trong việc tiếp thu ứng dụng, trình độ khoa học - công nghệ. Bên cạnh đó, hiểu biết của lao động Việt Nam về văn hóa doanh nghiệp và pháp luật của nước bạn còn hạn chế. Ngoài ra, tinh thần làm việc theo nhóm và tác phong công nghiệp chưa tốt cũng là điểm yếu khó cạnh tranh khi thị trường lao động được mở cửa.
Đào tạo nghề chú trọng thực hành mới nâng chất lượng lao động |
Đó là nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động của Việt Nam nói chung và của TP Hồ Chí Minh nói riêng thuộc nhóm thấp nhất ở châu Á - Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và Hàn Quốc 10 lần. So sánh với những đối thủ cạnh tranh trong AEC, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/5 Malaysia, và 2/5 Thái-lan.
Th.S Lưu Đình Vinh, giảng viên Trường Cao đẳng Kinh tế TP Hồ Chí Minh, nêu ra những lo lắng: “Nếu chỉ số về năng suất lao động không được cải thiện sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực cạnh tranh về giá trị sức lao động của lực lượng lao động TP Hồ Chí Minh khi tham gia AEC, nơi mà người lao động có thể làm việc bất kỳ đâu trong cộng đồng nếu đáp ứng được yêu cầu. Năng suất lao động thấp sẽ tác động to lớn đến sự thành công quá trình hội nhập AEC của thành phố. Bên cạnh đó, kỹ năng lao động chưa được hoàn thiện, trong đó chỉ số thông thạo tiếng Anh của lao động của TP Hồ Chí Minh cũng nhưng cả nước còn thua kém so với các quốc gia khác trong AEC, như Malaysia, Singapore, Indonesia… cũng cản trở sự thành công của người lao động trong cộng đồng AEC.
Nhiều điểm “nghẽn” đào tạo nghề
Với 54 trường đại học, 25 trường cao đẳng chuyên nghiệp, 12 trường cao đẳng nghề, 41 trường trung cấp chuyên nghiệp, 26 trường trung cấp nghề và hơn 370 cơ sở dạy nghề, hàng năm đào tạo cho xã hội trên 300 nghìn lao động. Với số lượng đó, TP Hồ Chí Minh là địa phương hàng đầu cả nước về quy mô đào tạo nguồn nhân lực. Nhưng cho đến nay, công tác đào tạo nghề vẫn tồn tại khá nhiều bất cập.
Trong những năm qua, Trường trung cấp Nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương rất quan tâm đầu tư thiết bị phục vụ dạy học. Trường tham gia dự án “tăng cường kỹ năng nghề” bằng nguồn vốn vay 1,1 triệu USD đầu tư thiết bị dạy hai nghề cơ điện tử và vận hành thiết bị lạnh. Ngoài ra, trường đang đầu tư khoảng sáu tỷ đồng xây dựng phòng lab dạy tiếng Anh đạt chuẩn ngoại ngữ 300 TOEIC. Bên cạnh đó, trường còn đầu tư phần mềm chuẩn hóa tin học, chuẩn hóa các kỹ năng mềm, tay nghề, tác phong công nghiệp… Hiện, trường có hai nghề là điện tử công nghiệp, vận hành thiết bị lạnh đang làm đánh giá đạt tiêu chuẩn quốc gia; nghề cắt gọt kim loại đạt chuẩn khu vực; nghề cơ điện tử, nghề bảo trì thiết bị cơ khí đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Dù được đánh giá là trường điểm quốc gia về đào tạo nghề, nhưng công tác đào tạo nghề vẫn gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương, cho biết: “Trường rất cố gắng tăng số lượng học viên đào tạo nghề chất lượng cao nhưng việc tuyển sinh rất khó khăn. Những học sinh tốt nghiệp lớp 12 thì đã chọn học các trường đại học, chỉ còn lại những học sinh tốt nghiệp lớp 9. Những học sinh này chưa đủ tư duy và năng lực tiếp thu những kỹ năng trình độ cao. Thậm chí đến nay, việc hợp tác đào tạo với doanh nghiệp vẫn rất khó khăn. Hằng năm vẫn có những doanh nghiệp nhỏ lẻ phối hợp với trường tuyển vài chục học viên vừa tốt nghiệp. Hiện nay, trường phối hợp đào tạo lao động xuất khẩu sang Nhật Bản. Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp hợp tác với nhà trường như vậy là quá ít.”
Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, giai đoạn hội nhập tạo ra áp lực rất lớn cho thị trường lao động nước ta do chất lượng nhân lực của ta có khoảng cách khá xa so với các nước. Đó là đào tạo của nhà trường gắn với doanh nghiệp. Hiện nay, mối quan hệ này có tồn tại nhưng quá lỏng lẻo. Doanh nghiệp chưa đặt hàng nhà trường đào tạo lao động. Việc nhà trường xin cho học viên vào doanh nghiệp thực tập cũng chưa tốt. Một số trường mời doanh nghiệp về giảng dạy để tăng tính thực tế trong đào tạo.
Tuy nhiên, hợp tác này chưa thường xuyên vì nếu doanh nghiệp không có lợi sẽ không quan tâm. Do đó cần phải có chính sách rõ ràng. Nhà nước nên có chính sách cho những doanh nghiệp tham gia hỗ trợ nhận đào tạo tay nghề. Có như vậy mới khuyến khích được doanh nghiệp tham gia hoạt động đào tạo nghề. Một chính sách nhỏ như vậy nhưng sẽ tạo được môi trường xã hội giúp nâng chất lượng đào tạo nghề”.
Nâng chất lượng lao động
Để khắc phục ngay những điểm yếu về chất lượng lao động trong hội nhập, TS Hồ Bá Thâm, chuyên viên cao cấp Viện Nghiên cứu Xã hội TP Hồ Chí Minh, cho rằng: “Trong điều kiện chúng ta đang bị dồn vào chân tường không chỉ có cạnh tranh doanh nghiệp, mà còn cạnh tranh địa phương, cạnh tranh quốc gia buộc chúng ta phải thay đổi. Yêu cầu đặt ra những giải pháp cải cách ở tầm vĩ mô và vi mô. Trong đó, có những vấn đề giản đơn chúng ta có thể giải quyết được ngay trước mắt. Đó là thành phố cần tổ chức đào tạo lại lực lượng lao động đang thất nghiệp và lao động doanh nghiệp đang cần. Do chất lượng đào tạo tại các trường chưa đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp, nên cần thiết phải đào tạo lại trong ngắn hạn cho lao động. Việc này có thể làm ngay để tránh lãng phí lao động xã hội. Thứ hai là, phải nâng cấp vấn đề còn thiếu trong đào tạo nghề là kỹ năng mềm. Đó là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm. Để làm được việc này, cần có nghị quyết phát triển nhân lực để thay đổi hiện trạng. Phải thay đổi quyết liệt nếu không sẽ tụt hậu trong hội nhập".
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, thành phố cần phải có quy hoạch tổng thể đào tạo nghề, sắp xếp lại hệ thống dạy nghề trên cơ sở dự báo nhu cầu thị trường lao động và khả năng đào tạo của các trường nghề, phát triển một số trường đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, nâng cao hiệu quả đào tạo thu hút nhiều học viên.
Ngoài ra, thành phố cần hoàn thiện mô hình, nâng cao năng lực hoạt động phân tích và dự báo cung – cầu nhân lực toàn diện ba góc độ: ngành đào tạo, ngành kinh tế và việc làm. Đồng thời, cần có cơ chế để công tác đào tạo nguồn nhân lực của các trường gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của doanh nghiệp. Nhà trường và các doanh nghiệp cần hỗ trợ chặt chẽ với nhau trong việc định hướng đào tạo, tìm hiểu nhu cầu, bảo đảm chất lượng và hiệu quả nguồn nhân lực xã hội. Đồng thời, thành phố đầu tư để mở rộng quy mô hoạt động hướng nghiệp đối với học sinh các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn thành phố; xây dựng kho dữ liệu thị trường lao động thành phố.
Hợp tác cùng Thời Nay
>>> Xem thêm:
- Mbland Central Point 219 Trung Kính: Loạn giá bán, nguy cơ thất thu thuế?