Qua một năm Thành phố Hồ Chí Minh mở cửa trở lại với những kết quả tốt trong phòng, chống dịch COVID-19, cùng với tỷ lệ phủ vaccine cao, đời sống văn hóa, nghệ thuật tại đây đang trên đà phục hồi mạnh mẽ trong sự đón chờ, hưởng ứng nhiệt tình của người dân và du khách.
Sự sôi động của các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đã tạo thêm những "điểm sáng" trong quá trình phục hồi, phát triển mạnh mẽ của thành phố sau một cơn "bạo bệnh."
Bầu không khí mới
Do ảnh hưởng trực tiếp từ đợt dịch COVID-19, nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội, thể thao, thậm chí sinh hoạt văn hóa của người dân Thành phố Hồ Chí Minh đều bị ngưng trệ.
Sau thời gian “ngủ đông,” hiện, các không gian bảo tàng tại thành phố đã nhộn nhịp khách tham quan, trải nghiệm. Trong đó, riêng trong tháng 6/2022, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (quận 3) đón gần 216.000 lượt khách quốc tế và hơn 2,1 triệu khách nội địa. Các nhà hát, sân khấu, rạp phim, các công viên, khu vui chơi giải trí như được hồi sinh.
Quanh các điểm tham quan nổi tiếng trong khu trung tâm như Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát thành phố, Bưu điện thành phố, đặc biệt là phố đi bộ Nguyễn Huệ luôn náo nhiệt, đông đúc… Vào dịp nghỉ Lễ 30/4 và 2/9 vừa qua, tại các điểm vui chơi, tham quan như Thảo Cầm Viên, Hội trường Thống Nhất..., hình ảnh từng dòng người xếp hàng mua vé vào cổng để tham quan, chụp hình lưu niệm đã trở lại.
Cùng gia đình tới vui chơi tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) dịp cuối tuần, chị Lê Diệu Phương (38 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ chị cùng các con rất hào hứng khi được hòa chung trong không khí vui tươi, được thưởng thức nhiều loại hình nghệ thuật từ truyền thống đến hiện đại. Những điều này giúp người dân thoải mái, sảng khoái thoát khỏi những ngày bí bách, tù túng vì dịch bệnh.
Nhiều nghệ sỹ của nhà hát, sân khấu trên địa bàn thành phố bày tỏ niềm vui khi được trở lại sân khấu biểu diễn và gặp khán giả trực tiếp qua từng show diễn... Theo ông Trần Đại, Giám đốc Sân khấu Thế giới trẻ, dù dịch bệnh khó khăn nhưng lượng khán giả tới rạp tăng hơn so với mọi năm. Bình quân các suất diễn, khán giả đạt hơn 70% khán phòng. Với những vở diễn "hot" đơn vị phải kê thêm ghế phụ để phục vụ nhu cầu thưởng thức của khán giả. Đây giống như một cuộc hồi sinh trong hai năm cầm chừng, bám trụ nghề đầy khó khăn của các nghệ sỹ. Sự hồ hởi của khán giả tạo động lực không nhỏ cho các nghệ sĩ tiếp tục vững tin trên con đường nghệ thuật.
Triển khai nhiều dự án nghệ thuật điểm nhấn
Trở lại trạng thái bình thường, Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung thực hiện nhiều dự án phát triển xã hội; trong đó, có những dự án nghệ thuật. Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, không ít dự án không thể thực hiện được dù kế hoạch chuẩn bị đã hoàn thành và chỉ đợi ngày triển khai.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng văn hóa, nghệ thuật là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch COVID-19. Trong bối cảnh nhiều đơn vị nghệ thuật, nghệ sỹ không thể ra mắt công chúng những tác phẩm nghệ thuật theo cách thức truyền thống, việc tổ chức các chương trình nghệ thuật trực tuyến cũng tạo ra hiệu ứng “vaccine tinh thần” làm phong phú đời sống, dịu bớt tâm lý căng thẳng của người dân.
Sang năm 2022, khi tình hình dịch COVID-19 tại Thành phố cơ bản được kiểm soát, mở ra nhiều hy vọng cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật quan trọng được triển khai. Trong đó, nhiều hoạt động nằm trong mục tiêu bảo tồn và phát triển sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật giai đoạn 2021-2025 được thực hiện như Liên hoan Nghệ thuật “Giai điệu mùa Thu,” Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc, Liên hoan Ban nhạc toàn quốc, Tài năng múa rối toàn quốc…
Liên khúc "Đất nước trọn niềm vui" và "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" do các nhóm nhạc đồng thể hiện trong Chương trình nghệ thuật “Tết Độc lập - Bừng sáng khát vọng dân tộc.” (Ảnh: Thu Hương/TTXVN) |
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, bên cạnh Cuộc thi “Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang,” điểm nhấn trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật thành phố là cuộc vận động sáng tác với chủ đề “Chung một niềm tin chiến thắng.” Điều này góp phần tạo nên không gian nghệ thuật để các tác giả giới thiệu những tác phẩm có nội dung sâu sắc, giá trị thẩm mỹ cao, mong muốn đóng góp tích cực vào công cuộc phòng, chống dịch COVID-19, góp phần lan tỏa những giá trị cao đẹp đến công chúng.
Nghệ sỹ Nhân dân Tạ Minh Tâm cho rằng trong mọi hoàn cảnh, văn học nghệ thuật luôn có tác động nhất định đối với đời sống tinh thần của xã hội. Nhất là trong những tình huống khó khăn như cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Một năm qua, nhiều nghệ sỹ đã xung phong đến các khu cách ly, bệnh viện dã chiến biểu diễn phục vụ cho các bệnh nhân và đội ngũ y, bác sĩ, lực lượng hỗ trợ. Các buổi biểu diễn được diễn ra trong hoàn cảnh thiếu thốn không sân khấu, hệ thống âm thanh, ánh sáng đơn sơ, nghệ sỹ không có trang phục đẹp. Tất cả những điều đó là nỗ lực của những người nghệ sỹ với mong muốn mang đến niềm vui nho nhỏ cho người dân, giúp mọi người có những phút giây thư giãn, tạm quên đi âu lo, mệt nhọc.
Nghệ sỹ Nhân dân Tạ Minh Tâm chia sẻ tham gia biểu diễn tại các bệnh viện điều trị COVID-19, với nghệ sỹ đó là những buổi diễn mang lại nhiều cảm xúc đặc biệt. Ai cũng sẽ đong đầy những kỷ niệm khó quên về một thời biểu diễn gian khó trong sự nghiệp của mình.
Theo ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật diễn ra thời gian qua được người dân và du khách đón nhận, hưởng ứng nhiệt tình, giúp hâm nóng bầu không khí văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn.
Đến nay, đời sống sinh hoạt văn hóa của người dân gần như đã trở lại với guồng quay quen thuộc. Tuy nhiên, sau 2 năm bị bó buộc tâm lý vì đại dịch, nhu cầu về đời sống tinh thần của người dân ngày càng cao. Do đó, Sở Văn hóa và Thể thao cần phối hợp cùng Sở Du lịch, các đơn vị xây dựng kế hoạch tổng thể với nhiều hoạt động phong phú để người dân, du khách tiếp cận, thưởng thức bữa tiệc nghệ thuật đa sắc màu./.