TP.HCM: Thị trường bất động sản đã có dấu hiệu “giảm tốc”

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Chủ tịch HoREA cho biết hiện nay, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu “giảm tốc,” chậm lại, trầm lắng, giao dịch nhà đất sụt giảm trên dưới 50% tùy theo dự án và khu vực, nhưng giá nhà đất vẫn cao.
Khu chung cư căn hộ cao cấp trên đường Lê Đại Hành, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Khu chung cư căn hộ cao cấp trên đường Lê Đại Hành, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thị trường bất động sản 9 tháng đầu năm 2022 đã có dấu hiệu dần phục hồi; trong đó điểm sáng là thị trường bất động sản công nghiệp và thị trường bất động sản logistics, nhưng nhìn tổng thể vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Đây là nhận định của Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) trong báo cáo về thị trường thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh 9 tháng đầu năm 2022.

Theo HoREA, trong 9 tháng đầu năm 2022, Thành phố Hồ Chí Minh có 21 dự án đủ điều kiện huy động vốn, với tổng số 11.600 căn nhà; trong đó có 10.166 căn hộ chung cư, chiếm 87,6% và 1.434 căn nhà thấp tầng, chiếm 12,4% tổng số nhà ở đưa ra thị trường. Đáng chú ý, trong số căn hộ được tung ra thị trường có tới 9.305 căn nhà cao cấp, chiếm đến 80,2%.

Về sức hấp thụ của thị trường, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết hiện nay, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu “giảm tốc,” chậm lại, trầm lắng, giao dịch nhà đất sụt giảm trên dưới 50% tùy theo dự án và khu vực, nhưng giá nhà đất vẫn còn ở mức giá cao do doanh nghiệp và nhà đầu tư có tâm lý kỳ vọng thị trường sẽ được cải thiện trong những tháng cuối năm.

Tuy nhiên, do sử dụng đòn bẩy tài chính lớn (thường chiếm đến 50-70%) nên sức chịu đựng có hạn và đến một thời điểm không chịu đựng nổi thì có thể các nhà đầu tư đành phải “xả hàng,” thậm chí chấp nhận “bán lỗ để cắt lỗ” nhằm bảo tồn phần vốn còn lại.

Thị trường bất động sản đã xuất hiện tình trạng giá nhà tăng liên tục trong 5 năm gần đây. Giá nhà bình dân cũng đã cao hơn khoảng 20 lần mức thu nhập trung bình của xã hội, nếu so sánh với giá nhà tại các nước công nghiệp phát triển chỉ cao gấp khoảng 6-7 lần mức thu nhập nên người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động và người nhập cư khó có cơ hội tạo lập nhà ở nếu Nhà nước không có chính sách hỗ trợ.

“Từ năm 2019 đến nay đã xuất hiện dự án và căn hộ bất động sản siêu sang với giá rao bán lên đến trên dưới 500 triệu đồng/m2, cá biệt có mức giá đến 1 tỷ đồng/m2,” ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết.

Phân tích thêm về tình hình thị trường bất động sản đã xuất hiện tình trạng “lệch pha phân khúc thị trường,” “lệch” về phân khúc nhà ở cao cấp và rất thiếu nhà ở giá vừa túi tiền, ông Lê Hoàng Châu cho rằng: Nhà ở vừa túi tiền, nhà ở bình dân có giá dưới 2 tỷ đồng/căn (dưới 30 triệu đồng/m2) và nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu nhà ở cho đa số người yếu thế trong xã hội là người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị, góp phần đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở.

Theo thống kê, loại nhà ở bình dân năm 2020 chỉ có 163 căn hộ, chiếm 1%; năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022 không còn nhà ở bình dân (0%). Riêng nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân lao động trong 9 tháng đầu năm 2022, thành phố đã khởi công xây dựng 4 dự án nhà ở xã hội và 1 dự án nhà lưu trú công nhân Khu chế xuất Linh Trung 2.

TP.HCM: Thị trường bất động sản đã có dấu hiệu “giảm tốc” ảnh 1
Các tòa chung cư cao tầng dọc theo Xa lộ Hà Nội, thành phố Thủ Đức. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Lý giải nguyên nhân về những khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay, HoREAcho biết các chủ đầu tư, người mua nhà và nhà đầu tư thứ cấp trên thị trường bất động sản khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn khác (chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, vốn ứng trước từ khách hàng…). Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ một số vướng mắc về thể chế pháp luật và khâu thực thi pháp luật, thể hiện qua hơn 100 dự án bất động sản, nhà ở thương mại của hơn 80 doanh nghiệp dừng triển khai thực hiện; trong đó có 64 dự án sử dụng đất có nguồn gốc “đất công” hoặc do cổ phần hóa trước đây.

Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung, HoREA kiến nghị Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương sớm xem xét và có kết luận đối với các dự án sử dụng quỹ đất có nguồn gốc “đất công,” hoặc do cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm đã bị dừng triển khai từ năm 2017 đến nay do phải thực hiện công tác rà soát pháp lý; trong đó Thành phố Hồ Chí Minh có 64 dự án để tăng nguồn cung nhà ở.

Trong quá trình xử lý các dự án thuộc diện rà soát pháp lý, Hiệp hội đề nghị thực hiện chủ trương “thu hồi triệt để tài sản Nhà nước bị thất thoát do tham nhũng, tiêu cực” và các doanh nghiệp có liên quan phải nộp nghĩa vụ tài chính, bao gồm cả nghĩa vụ tài chính bổ sung (nếu có) vào ngân sách nhà nước theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền để dự án được tiếp tục triển khai, góp phần phát triển kinh tế và tăng nguồn cung dự án nhà ở thương mại và sản phẩm nhà ở cho thị trường bất động sản.

Về nguồn tín dụng cho bất động sản, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị Ngân hàng Nhà nước quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư, người mua nhà và nhà đầu tư thứ cấp trên thị trường bất động sản tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án bất động sản, khu đô thị, nhà ở thương mại, khu du lịch nghỉ dưỡng, khu công nghiệp, văn phòng cho thuê… của các chủ đầu tư có uy tín thương hiệu và đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, nhất là các dự án nhà ở giá vừa túi tiền và các dự án nhà ở xã hội.

Về lâu dài, đi đôi với việc hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan trong năm 2023 gồm: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Phòng, chống rửa tiền, Hiệp hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ xem xét sửa đổi Luật Quản lý đô thị, Luật Xây dựng, Luật Đấu giá tài sản, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Bộ Luật Dân sự… để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất theo đúng tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. “Đây là giải pháp có tính quyết định nhất để thực hiện mục tiêu phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững,” ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.

Theo TTXVN
TIN LIÊN QUAN
Nhóm nhạc BTS tích cực quảng bá văn hóa Hàn Quốc. Ảnh: Bighit Entertainment
Giới trẻ châu Á kể chuyện văn hóa dân tộc
(Ngày Nay) - Người trẻ châu Á ngày nay không chỉ năng động, sáng tạo mà còn luôn ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Họ đang thổi bùng sức sống mới cho văn hóa truyền thống bằng những cách thức độc đáo và đầy cảm hứng.
Ảnh minh họa
Công an Hà Nội cảnh báo 24 thủ đoạn sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm tài sản
(Ngày Nay) - Theo Công an TP Hà Nội, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế-xã hội.
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
(Ngày Nay) -  “Quiet luxury” - sự xa xỉ thầm lặng đang phát triển thành xu hướng sống, phong cách tận hưởng mới của giới thượng lưu. Bắt nguồn từ thời trang, xu hướng này “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản và được giới nhà giàu ưa chuộng. Điều này lý giải vì sao phân khu The Miyabi (thuộc Thành phố đảo Hoàng Gia - Vinhomes Royal Island) được săn đón ngay khi vừa ra mắt .
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng
Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết về việc ngừng bắn tại Dải Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 27/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2728 về việc ngừng bắn tại Dải Gaza, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định: