Theo báo cáo, bộ trên đang phải đối mặt với tình trạng không đủ nhân lực và không đảm bảo được công tác bảo vệ các loài có giá trị thương mại, dựa trên Đạo luật về loài bị đe dọa. Ông DeMarco nhấn mạnh không nên để tình trạng này xảy ra, vì trong dài hạn, lợi ích kinh tế và lợi ích môi trường về bảo vệ đa dạng sinh học cần phải được ưu tiên đồng đều. Theo ông, Canada đang có xu hướng tập trung nhiều hơn vào các giá trị kinh tế ngắn hạn, thay vì các giá trị sinh thái.
Báo cáo cho biết Bộ Ngư nghiệp và Đại dương Canada không có đủ nhân lực để thực thi các bước theo quy định nhằm bảo vệ các loài thủy sinh bị đe dọa. Báo cáo cho rằng công tác đánh giá và xác định rủi ro đối với các loài thủy sinh của bộ khá chậm trễ, mất trung bình hơn 3 năm để đánh giá một loài có thuộc diện nguy cấp hay không. Báo cáo lấy loài cá tuyết Đại Tây Dương của tỉnh Newfoundland và Labrador là dẫn chứng về một loài mà Bộ Ngư nghiệp và Đại dương Canada không liệt kê để bảo vệ đặc biệt, mặc dù số lượng cá thể thấp. Ngoài ra, ông DeMarco cho biết một số cơ quan chính phủ, trong đó có Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada, đã không cung cấp đủ thông tin về kế hoạch bảo vệ các loài động vật hoang dã ở nước này.
Phản hồi với báo cáo trên, Bộ trưởng Môi trường và Biến đổi Khí hậu Steven Guilbeault, Bộ trưởng Tài nguyên Thiên nhiên Jonathan Wilkinson và Bộ trưởng Ngư nghiệp và Đại dương Joyce Murray đã ra tuyên bố chung khẳng định Canada có một khuôn khổ pháp lý và quy định mạnh mẽ để bảo vệ toàn bộ các loài thủy sinh, đặc biệt là các loài trên bờ vực tuyệt chủng.
Theo Sáng kiến Di sản Thiên nhiên, Chính phủ Canada cũng đã đầu tư 155 triệu CAD trong ngân sách năm 2018 và 173 triệu CAD trong năm 2021 để thực thi Đạo luật về loài bị đe dọa đối với các loài thủy sinh. Trong một số trường hợp, hoạt động đánh bắt thương mại hoặc giải trí đã được hạn chế để bảo vệ các loài thủy sinh.