Nhiều lệnh trừng phạt của LHQ đã không ngăn được Bình Nhưỡng thực hiện cuộc thử hạt nhân lần thứ 6 và mạnh nhất - được cho là một quả bom hydro - vào tháng Chín.
Triều Tiên cũng liên tục thử nghiệm các loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mở rộng (ICBM) trong suốt năm 2017, tuyên bố nước này có thể tấn công vào lãnh thổ Mỹ.
Tổng thống Donald Trump đã đáp trả lại Triều Tiên sau mỗi đợt phóng tên lửa bằng các tuyên bố cứng rắn của mình, đe dọa "tiêu diệt hoàn toàn" Bình Nhưỡng và chế nhạo Kim Jong-Un, nói rằng Triều Tiên đang tiến hành "một sứ mệnh tự sát".
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng các lời đe dọa cứng rắn của ông Trump chỉ càng thôi thúc nhà lãnh đạo Kim Jong-un quyết tâm theo đuổi chương trình hạt nhân.
Vipin Narang, giáo sư của Viện Công nghệ Massachusetts, nói "những quốc gia dễ bị tổn thương" khi bị đe dọa về quân sự thường sẽ phát triển vũ khí để bảo vệ bản thân.
"Cách tốt nhất là chỉ cần tăng tốc để chạy đua với các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Thực sự ấn tượng và đáng sợ khi họ có thể có được những thứ đó một cách nhanh chóng ngay tại chỗ", ông nói thêm.
Triều Tiên nói rằng nước này cần vũ khí hạt nhân để tự vệ chống lại một nước Mỹ thù địch và những ưu thế của vũ khí hạt nhân là sự sống còn của chính họ.
Để đáp lại những bước tiến gần đây của Triều Tiên, Mỹ và các đồng minh đã tăng cường các cuộc diễn tập quân sự, bao gồm các chuyến bay thường xuyên của các máy bay ném bom Mỹ trên bán đảo Triều Tiên.
Mỹ và Hàn Quốc thực hiện các hoạt động quân sự để đáp trả Triều Tiên. Ảnh: AFP |
Đồng thời, các quan chức trong chính quyền Trump lặp lại những lời cảnh báo đe dọa về quân sự đối với Triều Tiên, làm tăng thêm các lo ngại về những tính toán sai lầm có thể dẫn đến xung đột tại bán đảo Triều Tiên.
Van Jackson, một chuyên gia quốc phòng tại Đại học Victoria, Wellington, cho biết căng thẳng tăng cao kết hợp với sự phát triển nhanh chóng về công nghệ vũ khí của Triều Tiên đã đẩy báo động về "một cuộc chiến tranh hạt nhân vô ý" lên mức cao nhất kể từ Chiến tranh Lạnh.
"Nếu Triều Tiên tin rằng Mỹ sẽ xâm chiếm hoặc xóa bỏ chế độ hiện tại, nước này sẽ có những động cơ mạnh mẽ để ra tay trước bằng một cuộc tấn công hạt nhân", Jackson nói.
Các nước trong khu vực hiện nay rất lo ngại về viễn cảnh một cuộc tấn công hạt nhân của Triều Tiên sẽ khiến hàng triệu người chết.
Người dân Nhật Bản lo ngại về một nguy cơ bị tấn công hạt nhân, do đó nhiều người đã xây các hầm trú ẩn tại nhà và cơ quan.
Tại Hàn Quốc xuất hiện những lời kêu gọi nước này nên tự sở hữu vũ khí hạt nhân để tự vệ trước những lời đe dọa của miền Bắc, điều này sẽ khiến quan hệ đồng minh quân sự Mỹ-Hàn vào nguy cơ tan rã.
Tiếng còi báo động đã vang lên tại Hawaii vào đầu tháng này khi Mỹ tiến hành thử nghiệm hệ thống cảnh báo vũ khí hạt nhân kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
Theo AFP