Tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư (Bộ KH&ĐT) đã trao tặng bằng khen cho đại diện tám nhóm người yếu thế, bởi những nỗ lực kiên cường vươn lên trong cuộc sống, đặc biệt trong suốt hai năm đại dịch, và vì những thành tích đạt được trong việc phát triển chương trình vì sự phát triển cộng đồng và phát triển chuỗi hoạt động "Tự hào Việt Nam".
Chia sẻ với Ngày nay, anh Nguyễn Thái Thành, chủ tiệm tóc Thành Nguyễn của người điếc, không giấu được sự cảm động và vui mừng: “Tôi thấy rất hạnh phúc khi được tham dự sự kiện, gặp gỡ Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cũng như nhóm các bạn được Bộ KH&ĐT bảo trợ, quan tâm và dành tình cảm. Tôi cũng cảm thấy mình quá may mắn, và bất ngờ khi Bộ trưởng trao tặng bằng khen. Qua đây, tôi cũng muốn gửi lời cám ơn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ KH&ĐT và Công Đoàn Bộ KH&ĐT, chị Thu, chị Trâm và cũng như anh chị em trong Bộ KH&ĐT rất nhiều vì đã luôn hết lòng quan tâm giúp đỡ.”
Một điều đặc biệt là khi trả lời phỏng vấn với Ngày Nay, những người khuyết tật được Bộ bảo trợ luôn nhắc đến "các cán bộ" với giọng nói trìu mến lẫn chân thành. Họ có thể dễ dàng gọi tên được từng người vẫn luôn sát cạnh hỗ trợ họ trong suốt một hành trình dài. Không phải như từ một người dân cảm kích khi nhận được sự quan tâm của cán bộ nhà nước, mà giống nhiều hơn tình cảm ấm áp của một mái ấm, một gia đình.
“Có phải chúng ta về Bộ chính là về nhà không?”
Câu hỏi khi Nguyễn Văn Hùng, một người khiếm thính đại diện cho nhóm yếu thế lên phát biểu, vang lên to và mạnh mẽ - như dội thẳng vào lồng ngực của tất cả những người có mặt trong khán phòng, và được cộng hưởng bởi những tràng vỗ tay đầy hân hoan đáp lại. Đúng vậy, chúng tôi đã trở về nhà.
Khoảnh khắc ấy đã làm lay động chính trái tim của những viên chức trong Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hay bất cứ ai đang có mặt trong khán phòng. Chị Kim Ngọc Thanh Nga, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ KHĐT bày tỏ: “Những lời của Hùng có sức lan tỏa và lay động rất lớn. Lời bạn ấy nói ra thật sự đã làm thay đổi toàn bộ không khí nghiêm trang trong hội trường.”
Những tràng pháo tay giòn giã là minh chứng rõ ràng cho việc, không chỉ có Hùng, mà tất cả mọi người trong tám nhóm yếu thế được bảo trợ đều tìm thấy cảm giác gần gũi và ấm áp ở "mái nhà" Bộ KH&ĐT.
Thay mặt cho những người yếu thế, và cụ thể hơn là cộng đồng người khiếm thị và người mù, Nguyễn Văn Hùng đã truyền cảm hứng cho tất cả mọi người trong khán phòng: “Bộ KH&ĐT đã dang tay giúp đỡ, trao cho chúng ta cây gậy cũng như điểm tựa niềm tin để hòa nhập với xã hội, với thế giới. Chúng ta hãy giữ những cảm xúc đẹp đẽ và niềm tin ấy để kể cho những người cùng cảnh ngộ, để thấy, dù hoàn cảnh khó khăn đến mức nào vẫn luôn có một tình thương không giới hạn, lan tỏa và kết nối mọi người dân Việt Nam.”
Anh Nguyễn Văn Hùng, thành viên người mù của dàn "Hợp ca hy vọng". |
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và anh Nguyễn Thái Thành của salon tóc người điếc cùng làm ngôn ngữ ký hiệu thể hiện câu nói "Tôi yêu bạn". |
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tận tình thăm hỏi chị Thu Thương, người mắc bệnh xương thủy tinh, chủ doanh nghiệp xã hội Thương Thương Handmade. |
Cùng chung mong muốn được tiếp lửa từ Bộ KH&ĐT lan rộng tới cộng đồng của chính mình, anh Thành Nguyễn chia sẻ với Ngày Nay: "Tôi hy vọng bản thân có thể thực hiện sứ mệnh và lan toả giá trị của mình, đạt được mục tiêu thành lập chuỗi hệ thống salon tóc Thành Nguyễn phục vụ chăm sóc khách hàng trong và ngoài nước, cũng như tạo điều kiện phát triển hệ sinh thái, dạy ngôn ngữ ký hiệu, hỗ trợ kinh doanh và trao học bổng cho cộng đồng điếc/Khiếm thính. Từ đó, giúp họ có công ăn việc làm ổn định và gìn giữ hạnh phúc trong gia đình."
Theo lời Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hiện nay, đi cùng với nỗ lực thúc đẩy phát triển công bằng, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật, quan tâm, chăm lo đến đời sống của những người khuyết tật. Mặc dù vậy, do điều kiện kinh tế đất nước còn những khó khăn, nên mới chỉ bảo đảm được những nhu cầu cơ bản nhất của cộng đồng này. Khởi xướng từ năm 2018, chương trình "Tự hào Việt Nam" và nhiều chương trình, sự kiện ý nghĩa được tổ chức thu hút sự quan tâm của đặc biệt của các tổ chức quốc tế, cộng đồng người yếu thế và toàn xã hội. Trong hơn bốn năm qua, Bộ KH&ĐT đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ các nhóm khuyết tật, thông qua việc lồng ghép với các hoạt động của Bộ, như tổ chức rất những buổi tặng gậy trắng dành cho người mù, đặt những đơn hàng dành cho cán bộ công nhân viên hay khách quốc tế tại doanh nghiệp xã hội do người khuyết tật vận hành...
Trên thực tế, những nỗ lực liên tục của Bộ KH&ĐT đã góp phần lan tỏa và nâng cao nhận thức đến xã hội và cộng đồng, từ đó phát triển được thêm nhiều hoạt động và nghĩa cử cao đẹp ủng hộ, hỗ trợ, giúp đỡ, chia sẻ khó khăn trong cuộc sống đối với những người khuyết tật.
Lắng nghe tiếng hát cũng như những chia sẻ của người khuyết tật tại "Yêu thương Việt Nam", Bộ Trưởng hồi đáp: “Các bạn đã cho chúng tôi thấy được nghị lực, khát vọng làm việc và cống hiến. Chính các bạn đã cho chúng tôi một bài học, một động lực, một khát vọng để thay đổi và vươn lên. Phía trước còn rất nhiều việc chúng tôi muốn làm, muốn lan tỏa để xã hội biết và chung tay hỗ trợ các bạn”.
Hợp ca Hy vọng biểu diễn tại sự kiện "Yêu thương Việt Nam". |
Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng chụp ảnh cùng bà Lesley Miller (đứng giữa) và các đại biểu. |
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cùng Nguyễn Văn Hùng và các cán bộ của Bộ KH&ĐT. |
Khuyết tật là một phần của sự đa dạng của con người
Tham dự sự kiện "Yêu thương Việt Nam" ngày 20/4 còn có bà Lesley Miller, Phó Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF văn phòng Việt Nam. Trong bài phát biểu, bà Miller nhấn mạnh tầm nhìn và nỗ lực của tổ chức trong việc phối hợp với Chính phủ, các cơ quan ban ngành của Việt Nam cũng như mọi tổ chức người khuyết tật - hoạt động để đảm bảo rằng mọi người, đặc biệt là trẻ em khuyết tật, được hòa nhập đầy đủ vào xã hội và có thể hưởng tất cả các quyền của mình mà không bị phân biệt đối xử, theo đúng tinh thần “không một ai bị bỏ lại phía sau”.
UNICEF cũng là đơn vị LHQ đứng ra hỗ trợ Bộ LĐTB & XH, Bộ KH & ĐT và Tổng cục Thống kê thực hiện Điều tra quốc gia đầu tiên về người khuyết tật, cuộc điều tra này đã đặt nền tảng và cơ sở vững chắc để hiểu rõ hơn về tình hình người khuyết tật ở Việt Nam và những thiếu hụt trong các dịch vụ và hỗ trợ vì hạnh phúc và sự phát triển của cộng đồng này.
“Cuộc khảo sát cho thấy trẻ em và người khuyết tật phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm hạn chế tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục, bảo trợ xã hội và các dịch vụ công cộng khác. Kết quả cho thấy gần 700.000 trẻ em từ 2-17 tuổi đang sống với khuyết tật về thể chất và / hoặc về trí tuệ. Chỉ có 33,6% trẻ em khuyết tật được học trung học phổ thông và chỉ 2% nhận được các dịch vụ phục hồi chức năng khi bị ốm hoặc bị thương. Nghèo đói, dân tộc thiểu số và vị trí địa lý là những nguyên nhân cơ bản hạn chế khả năng tiếp cận của họ. Khảo sát cũng cho thấy những phát hiện nổi bật về thái độ đối với trẻ em và người lớn khuyết tật, cho chúng ta bằng chứng về sự cần thiết phải đổi mới nỗ lực chống phân biệt đối xử ở Việt Nam. Khuyết tật là một phần của sự đa dạng của con người. Thái độ xã hội tích cực đối với người khuyết tật là yếu tố chính giúp họ tham gia xã hội và hòa nhập đầy đủ vào xã hội.”
Trích bài phát biểu của bà Lesley Miller tại sự kiện “Yêu thương Việt Nam”
Chương trình dự kiến sẽ được phát sóng vào tối ngày 22/4 trên nền tảng Meta (Facebook).