Trưng bày ảnh tư liệu về bạo lực gia đình ở Việt Nam

Triển lãm ảnh tư liệu với chuyên đề "Hưởng ứng tháng hành động Quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; Tỷ lệ gia đình văn hóa của tăng qua các năm; Xây dựng kế hoạch phục hồi du lịch sau đại dịch COVID-19,… là những thông tin văn hóa, gia đình và du lịch nổi bật tại các tỉnh Hải Phòng, Nam Định, Bắc Ninh.
Trưng bày ảnh tư liệu về bạo lực gia đình ở Việt Nam

Tại Nhà trưng bày Triển lãm – Trung tâm thông tin, triển lãm và điện ảnh thành phố Hải Phòng (Sở Văn hóa - Thể thao Hải Phòng) vừa diễn ra lễ khai mạc Triển lãm ảnh tư liệu với chuyên đề "Hưởng ứng tháng hành động Quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình".

Triển lãm giới thiệu hơn 130 ảnh tư liệu, bản trích, thống kê về vấn đề bạo lực gia đình ở Việt Nam, hậu quả của bạo lực gia đình và các biện pháp tuyên truyền về việc phòng, chống bạo lực gia đình.

Bên cạnh đó, triển lãm cũng giới thiệu các hình ảnh đẹp về gia đình hạnh phúc; ảnh đẹp về phụ nữ, trẻ em. Đây là một trong những hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức trong nhân dân về công tác phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 08/CT-TTG ngày về đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình, Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố; Uỷ ban nhân dân các quận, huyện quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện một số nhiệm vụ: Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Xây dựng và hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi bạo lực gia đình đảm bảo tính răn đe, giáo dục để phòng ngừa nguy cơ tái diễn và hỗ trợ kịp thời cho nạn nhân bạo lực gia đình.

Tăng cường công tác giám sát và phản biện xã hội đối với các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch có liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình; đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình; giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến các hội viên. Lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực gia đình vào 5 nội dung cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", ngăn chặn kịp thời hành vi bạo lực gia đình, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Đồng thời, yêu cầu chỉ đạo chính quyền các cấp triển khai kịp thời và có giải pháp xử lý nhanh, hiệu quả các điểm nóng về bạo lực gia đình ở địa phương. Bố trí cán bộ làm công tác gia đình và đội ngũ cộng tác viên về dân số, gia đình và trẻ em ở cơ sở; quy định trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương để xảy ra tình trạng bạo lực gia đình. 

Tiếp tục nhân rộng và duy trì các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình hoặc các mô hình khác về phòng, chống bạo lực gia đình phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình có đóng góp tích cực cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Nam Định: Trong những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực của ngành, khuyến khích và tạo điều kiện cho nhân dân được tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của người dân.

Giai đoạn 2010-2020, thực hiện Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với cuộc vận động "Toàn dân xây dựng nông thôn mới", hệ thống các thiết chế về văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên được nâng cấp, xây mới đã cơ bản đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thể thao của các tầng lớp nhân dân, tạo môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh.

Phong trào xây dựng Gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh Nam Định được các cấp, các ngành triển khai tích cực, có sức lan tỏa sâu rộng, được nhân dân đồng tỉnh hưởng ứng, từ đó khơi dạy tinh thần tự giác của mỗi người dân, tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 09/6/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định về "Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội". 

Tỷ lệ Gia đình Văn hóa của tỉnh tăng qua các năm: Năm 2010, toàn tỉnh có 375.235/534.613 gia đình được công nhận Gia đình văn hóa (70,2%) thì đến năm 2019, có 521.160/613.378 gia đình được công nhận Gia đình văn hóa (84,9%), tăng 14,7% so với năm 2010. Việc thực hiện các tiêu chuẩn công nhận Gia đình văn hóa đã góp phần tích cực trong việc phát huy ý thức tự quản, tự giác, phòng ngừa của mỗi cá nhân, gia đình trong việc bài xích, tẩy chay, ngăn chặn, loại bỏ các sản phẩm văn hóa độc hại; giữ gìn đạo đức, thuần phong mỹ tục, xây dựng và bảo vệ các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt Nam. 

Các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao lành mạnh, vận động nhân dân loại bỏ dần những hủ tục, tập tục lạc hậu ra khỏi đời sống cộng đồng được quan tâm thực hiện. Việc cưới, việc tang, lễ hội được tổ chức đúng truyền thống và quy định của Nhà nước. Các đội văn nghệ quần chúng thu hút đông đảo người dân tham gia, thường xuyên biểu diễn các tiết mục văn nghệ gắn với tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền đấu tranh phòng, chống, thông tin xấu, tin giả trên Internet, chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội. 

Tiếp tục tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", việc rèn luyện thể dục thể thao đã trở thành nhu cầu cần thiết với người dân, nhiều câu lạc bộ thể dục thể thao được thành lập (từ 1.200 câu lạc bộ năm 2010 tăng lên 1.670 câu lạc bộ năm 2019) và hoạt động có hiệu quả. Thể thao trong lực lượng vũ trang, thể thao trong nhà trường, thể thao toàn dân đều có những bước chuyển biến tích cực (số người tập luyện thể thao thường xuyên tăng từ 26,5% dân số của tỉnh năm 2010 lên 36% dân số năm 2019), góp phần rất lớn trong công tác tạo môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh, ngăn chặn, loại bỏ sự xâm nhập của những sản phẩm văn hóa độc hại đến với nhân dân và các thế hệ trẻ. 

Bắc Ninh: Theo Báo Bắc Ninh, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đang xây dựng kế hoạch phục hồi du lịch sau đại dịch COVID-19, trong đó tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch cuối tuần.

Thời gian qua, du lịch Bắc Ninh chịu nhiều tổn thất do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong quý I, Bắc Ninh chỉ đón khoảng 170 nghìn lượt khách, giảm 64% so với cùng kỳ, tổng doanh thu du lịch ước đạt 145 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ và chỉ đạt 12% kế hoạch năm. Trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, mục tiêu của ngành du lịch năm 2020 cũng đã được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.

Theo nhận định của những người làm du lịch Bắc Ninh, khả năng phục hồi của hoạt động du lịch tỉnh nhà sẽ rất chậm vì đã qua mùa cao điểm là lễ hội đầu xuân. Tuy vậy, người dân trong nước ngày càng có nhu cầu đi nghỉ ngắn ngày ở vùng lân cận. Vào dịp cuối tuần, cư dân các đô thị cũng có xu hướng di chuyển về vùng ngoại ô để thư giãn nghỉ ngơi, giải trí, phục hồi sức khỏe... Hơn nữa, sau thời gian giãn cách xã hội, mọi người cũng muốn đi đâu đó để giải tỏa cảm giác "cuồng chân" song vẫn có tâm lý dè dặt, thận trọng, vì thế thường lựa chọn các điểm du lịch gần để vừa tiết kiệm chi phí, vừa an toàn… Nắm bắt được xu hướng ấy, ngành Du lịch của tỉnh đang tập trung ưu tiên xây dựng, quảng bá sản phẩm du lịch cuối tuần một cách linh hoạt, sinh động nhằm thu hút cư dân đang sinh sống tại các tỉnh, thành phố lân cận, nhất là nguồn khách tại Hà Nội.

Dòng sản phẩm du lịch cuối tuần tại Bắc Ninh khá đa dạng, có thể kể đến một số hoạt động mà nhiều du khách quan tâm như: Tham quan di tích lịch sử văn hóa, làng nghề thủ công truyền thống, nghỉ ngơi thư giãn, thưởng thức ẩm thực kết hợp mua sắm, gặp gỡ, giao lưu thể thao, vui chơi, giải trí... Được biết, trong kế hoạch kích cầu du lịch sắp tới, ngành văn hóa, thể thao và du lịch sẽ phối hợp tích cực cùng các sở, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh triển khai các gói kích cầu du lịch như giảm giá các dịch vụ mua sắm, ăn uống, phương tiện vận chuyển; tăng cường hợp tác, liên kết phát triển tour, tuyến, điểm du lịch với các tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng Bắc bộ; tổ chức nhiều sự kiện văn hóa du lịch như hội chợ ẩm thực, diễn xướng Dân ca Quan họ trên thuyền, tuần văn hóa du lịch...

Bắc Ninh còn là tỉnh công nghiệp với hàng trăm nghìn công nhân từ khắp các tỉnh, thành phố và hơn 8.000 chuyên gia, lao động nước ngoài đến sinh sống, làm việc. Đây là một trong những lợi thế so sánh về nguồn khách du lịch tiềm năng để Bắc Ninh hướng tới. Bên cạnh đó, nhu cầu tổ chức nhóm, gia đình đi du lịch ngắn ngày đến những địa điểm không quá xa so với nơi cư trú của người dân các tỉnh, thành phố lân cận cũng là lợi thế quan trọng cho phép Bắc Ninh khai thác phát triển loại hình du lịch cuối tuần.

Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động đến phương thức tiếp cận và chia sẻ thông tin du lịch của khách. Nhờ những ứng dụng tiện ích từ các thiết bị số đã thúc đẩy hình thức du lịch tự túc, phát triển dòng khách lẻ. Vì vậy ngành Du lịch tỉnh nhà đang triển khai đồng bộ, đa dạng hoạt động quảng bá trên các nền tảng số, khai thác thế mạnh của mạng xã hội kết hợp với hình thức truyền miệng giữa các nhóm du khách với nhau để đưa hình ảnh các điểm đến của Bắc Ninh lan tỏa tới du khách. 

Ngoài ra, nhanh chóng hoàn thiện vận hành, cập nhật dữ liệu mới trên ứng dụng Cổng thông tin du lịch thông minh tỉnh Bắc Ninh để du khách dễ dàng tiếp cận không gian điểm đến, phương tiện di chuyển, địa điểm ăn uống, lưu trú, nơi mua sắm... Qua đó, mở rộng kênh tương tác, tạo diễn đàn thảo luận, trao đổi, bày tỏ cảm nhận, chia sẻ thông tin, phản hồi ý kiến giữa các du khách về các điểm đến, chuyến đi về miền Quan họ.

Thực tế hiện nay, khách du lịch nội địa đang có xu hướng đi du lịch nhiều lần trong năm và ngắn ngày vì vậy họ càng quan tâm đến chất lượng trải nghiệm tại điểm đến thay vì chỉ đến tham quan đơn thuần. Do đó bên cạnh việc tập huấn, bồi dưỡng hướng dẫn viên tại điểm nhằm nâng cao chất lượng phục vụ tại các điểm đến, cần tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng tính trải nghiệm để Bắc Ninh trở thành điểm đến thường xuyên được du khách lựa chọn vào mỗi dịp cuối tuần.

Hy vọng, cùng với các hoạt động kích cầu du lịch cũng như sự tập trung vào dòng sản phẩm du lịch cuối tuần, sự đổi mới trong phương pháp xúc tiến, cách làm du lịch mang tính bền vững, chắc chắn sẽ giúp ngành du lịch Bắc Ninh sớm vượt qua giai đoạn khó khăn và từng bước phục hồi để đạt đến mục tiêu mới.

Theo Tổ Quốc
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) -Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?
Indonesia kêu gọi D-8 thúc đẩy Phong trào phương Nam toàn cầu
Indonesia kêu gọi D-8 thúc đẩy Phong trào phương Nam toàn cầu
(Ngày Nay) - Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto kêu gọi Tổ chức Hợp tác Kinh tế 8 nước đang phát triển, hay còn gọi là D8, vượt ra ngoài hợp tác kinh tế, trở thành một phong trào “Phương Nam toàn cầu” nhằm ủng hộ một trật tự toàn cầu công bằng và bình đẳng hơn dựa trên luật pháp quốc tế, tính bao trùm, công lý và thịnh vượng chung.