Theo Wall Street Journal, các bức ảnh vệ tinh chụp từ cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 cho thấy Trung Quốc đã xây dựng các tháp radar trên bốn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Gregory Poling, người đứng đầu bộ phận Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á tại CSIS, cho biết các ảnh vệ tinh này cho thấy Trung Quốc có thể đang lắp đặt hệ thống radar cao tần ở đá Châu Viên, 1 trong 7 khu vực mà Trung Quốc mới đây đã ngang nhiên mở rộng thông qua các hoạt động bồi lấp cải tạo phi pháp ở Trường Sa.
Trung Quốc có thể đang lắp đặt hệ thống radar cao tần ở đá Châu Viên, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ông Polling cho rằng, phần lớn các cơ sở radar này được xây dựng ở nửa cuối năm 2015. Một số thấp vẫn chưa được hoàn tất. Không rõ các hệ thống radar này đã hoạt động hay chưa. CSIS cảnh báo radar của Trung Quốc sẽ gây nhiều tác động tiêu cực đến tình hình biển Đông.
“Đá Châu Viên là một khu vực thích hợp cho một hệ thống như vậy bởi nó nằm ở phía nam, điều này có nghĩa là nó sẽ là vị trí lý tưởng nếu Trung Quốc muốn radar đưa ra cảnh báo về tàu và máy bay tiến về từ hướng eo biển Malacca hay các khu vực khác ở phía nam như Singapore”, ông Poling nhận định.
Hệ thống radar Trung Quốc đang xây dựng trái phép ở đá Tư Nghĩa thuộc Trường Sa của Việt Nam.
Chuyên gia này cũng cảnh báo thêm: “Radar này sẽ đóng vai trò rất quan trọng nếu Trung Quốc thực hiện chiến lược chống tiếp cận khu vực, nhằm làm giảm khả năng hoạt động tự do của Mỹ ở Biển Đông, bao gồm cả việc đưa lực lượng đến Biển Đông trong trường hợp nổ ra khủng hoảng tại Đông Bắc Á”.
Viện nghiên cứu Hải quân Mỹ đánh giá, hệ thống radar cao tần của Trung Quốc ở Biển Đông có thể đe dọa các máy bay tàng hình của Mỹ và đồng minh hoạt động ở khu vực.
Thông tin về việc Trung Quốc xây radar cao tần ở Trường Sa xuất hiện chỉ 1 tuần sau khi nước này ngang nhiên đưa hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 đến Hoàng Sa của Việt Nam. Giới chuyên gia cho rằng, Trung Quốc có thể sẽ trắng trợn triển khai hệ thống tương tự ở Trường Sa trong 1-2 năm tới.
Trung Quốc đang xây trái phép trạm radar ở đá Gạc Ma thuộc Trường Sa của Việt Nam.
Cho đến nay, cả Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc đều im lặng, không phản ứng trước những yêu cầu trả lời của báo chí quốc tế.
Trước khi CSIS công bố báo cáo trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh vẫn to mồm tuyên bố nước này “xây dựng trên các đảo và bãi đá vì mục đích dân sự”.
Bà Hoa cũng ngang ngược khẳng định Bắc Kinh “triển khai các cơ sở quân sự một cách hạn chế trên lãnh thổ nước mình để thực hiện quyền tự vệ”.
Chuyên gia Poling đã phản biện lại tuyên bố này của Trung Quốc với lập luận rằng các mục đích dân sự không cần đến radar cao tần đưa ra cảnh báo sớm hay đường băng dài 3.000 m.
Đăng Nguyễn