Dữ liệu hôm thứ Hai từ chính phủ Trung Quốc cho thấy sản xuất công nghiệp - một chỉ số quan trọng cho nền kinh tế nước này, chỉ tăng 4,4% trong tháng 8 so với một năm trước đó. Trong khi chỉ số tháng 7 đạt 4,8%, mức tăng trưởng yếu nhất trong 17 năm.
Sản xuất công nghiệp rất quan trọng vì đó là thước đo sản lượng của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất, khai thác và tiện ích công cộng của Trung Quốc. Con số mới nhất cũng tồi tệ hơn mức tăng trưởng 5,2% mà các nhà phân tích dự kiến.
Dữ liệu khác được công bố vào thứ hai bởi Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cũng ảm đạm không kém. Tăng trưởng doanh số bán lẻ đã chậm lại tới 7,5% trong tháng 8, giảm so với mức tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã gặp khó khăn vì cuộc chiến thương mại với Mỹ. Trung Quốc cũng phải đối mặt với những thách thức trong nước khi đang cố gắng ít dựa vào nợ để tăng trưởng.
Dữ liệu mới được đưa ra khi mối quan hệ thương mại căng thẳng của Trung Quốc với Mỹ dường như có dấu hiệu cải thiện. Trung Quốc vào tuần trước tuyên bố sẽ miễn thuế đậu tương và thịt lợn của Mỹ. Đây là bước tiến mới nhất trong một loạt các động thái được cả hai nước thực hiện để "hạ nhiệt" căng thẳng trước khi bước vào một vòng đàm phán thương mại mới.
Ông Cheung Kin Tai, chuyên gia tại Ngân hàng Mizuho ở Hồng Kông, cho biết số liệu tháng 8 yếu kém phản ánh "rủi ro gia tăng đối với nền kinh tế".
"Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đã làm dịu lập trường của mình về các cuộc đàm phán thương mại và đưa ra các kế hoạch kích thích kinh tế trong những tuần gần đây. Dữ liệu yếu kém cũng thúc đẩy suy đoán về cách ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ tiếp tục ứng phó với tình hình", ông Cheung cho biết.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã thực hiện một số động thái trong những tuần gần đây để thúc đẩy nền kinh tế của đất nước. Đầu tháng này, Bắc Kinh đã làm giảm lượng tiền mặt dự trữ tại các ngân hàng bằng cách cắt giảm tỷ lệ yêu cầu dự trữ lần đầu tiên trong 8 tháng.
Vào tháng 8, ngân hàng trung ương đã ban hành lãi suất cho vay mới đối với các ngân hàng, một cải cách nhằm hỗ trợ tăng trưởng và việc làm. Ông Cheung cho biết các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể đẩy lãi suất thấp hơn vào cuối tuần này.
Gần đây, Trung Quốc cũng đã cho phép đồng nhân dân tệ hạ xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ. Nhưng đồng nhân dân tệ yếu hơn không có khả năng bù đắp hoàn toàn các vấn đề về thuế quan và nhu cầu toàn cầu trì trệ, theo ông Martin Lynge Rasmussen, nhà kinh tế học Trung Quốc từ công ty tư vấn Capital Economics. Ông Rasmussen dự đoán Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong những tháng tới.
Tommy Wu, một nhà kinh tế cấp cao của công ty phân tích Oxford Economics, cũng cho biết nước này cần phải thực hiện các động thái quan trọng để ổn định tăng trưởng. Công ty của ông dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 6,1% trong năm nay và 5,7% vào năm 2020.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc có thể xem xét cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn, đây là lãi suất cho vay chính, theo ông Ting Lu từ ngân hàng Nomura của Nhật Bản cho biết. Ông cũng hy vọng chính phủ sẽ nới lỏng các hạn chế đối với lĩnh vực bất động sản vào cuối năm nay để giúp kích thích thị trường.
Các quan chức Trung Quốc cho biết họ có đủ phương pháp để củng cố nền kinh tế.
"Nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực nhất định từ tăng trưởng toàn cầu, chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương gia tăng", Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Nga. "Nhưng nền kinh tế cũng có khả năng, tiềm năng và đủ không gian để phục hồi".