Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực thiết lập một "danh sách thực thể không đáng tin cậy" bao gồm các công ty, cá nhân và tổ chức nước ngoài, theo một tuyên bố hôm thứ Sáu từ Bộ Thương mại Trung Quốc.
Các công ty vi phạm quy tắc thị trường sẽ được thêm vào danh sách, theo tuyên bố của chính phủ Trung Quốc. Một số mục tiêu khác bao gồm các công ty ngăn chặn nguồn cung cho các đối tác Trung Quốc vì "lý do phi thương mại" hoặc làm tổn hại lợi ích của họ.
Đây được xem là động thái trả đũa của Trung Quốc, sau khi Mỹ liệt Huawei vào "danh sách đen" nhằm ngăn các công ty nội địa ngừng cung cấp linh kiện và hỗ trợ dịch vụ cho công ty viễn thông lớn nhất Trung Quốc này.
Chính quyền Trump tuyên bố rằng thiết bị Huawei có thể được chính phủ Trung Quốc sử dụng để làm gián điệp. Phía Huawei đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc này, cho rằng đây là âm mưu nhằm phá hoại tình hình kinh doanh của hãng.
Ông Jude Blanchette - cố vấn cấp cao của Tập đoàn tư vấn rủi ro Crumpton Group, nói rằng các công ty Mỹ đang tìm cách đối phó với mối đe dọa đến từ bản danh sách của Trung Quốc.
"Họ sẽ phản ứng như thể đây không phải vấn đề quá lớn, các công ty đang tìm cách đánh giá khả năng bị đưa vào danh sách của Trung Quốc", ông Blanchette cho biết.
Cuộc chiến của Huawei
Chiến dịch của Mỹ chống lại Huawei, một trong những công ty công nghệ lớn nhất của Trung Quốc, đã lên tới đỉnh điểm vào đầu tháng này sau khi chính quyền Trump bổ sung công ty vào danh sách các doanh nghiệp được cho là làm suy yếu lợi ích quốc gia của Mỹ.
Điều này buộc các nhà cung cấp dịch vụ như Google và ARM Holdings phải cắt đứt quan hệ với công ty Trung Quốc, trong khi các nhà mạng hàng đầu ở Anh và Nhật Bản đã trì hoãn việc ra mắt điện thoại thông minh Huawei.
Hiện tại phía Trung Quốc đang thiết lập một danh sách được cho là bao gồm các công ty tuân thủ lệnh cấm của Mỹ.
"Họ chưa xác định cụ thể bản danh sách nhưng tôi chắc chắn rằng các công ty hợp tác với phía Mỹ sẽ bị nhắm làm mục tiêu", ông Harry Broadman - nhà đàm phán thương mại kỳ cựu của Mỹ, nhận định.
Đối với Huawei - công ty có mục tiêu trở thành thương hiệu sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu trên toàn cầu vào cuối năm 2020, lệnh cấm có thể là mối đe dọa mang tính tồn vong của doanh nghiệp này.
Huawei đã mua 70 tỷ USD linh, phụ kiện vào năm ngoái từ 13.000 nhà cung cấp. Trong đó, khoảng 11 tỷ USD đã được chi cho các sản phẩm của Mỹ bao gồm Qualcomm, Broadcom và Microsoft.
"Trung Quốc luôn có một loạt các công cụ mạnh mẽ mà họ có thể sử dụng để nhắm mục tiêu vào các công ty nước ngoài. Các công ty của Mỹ đang hoạt đọng tại Trung Quốc có thể là mục tiêu khả dĩ nhất", ông Nicholas Consonery - Giám đốc tư vấn của Tập đoàn Rhodium cho biết.