Theo Tân Hoa Xã, Bộ giao thông vận tải Trung Quốc đã tổ chức lễ khánh thành và chính thức đưa vào sử dụng ngọn hải đăng xây dựng trái phép tại đá Subi, đánh dấu việc ngọn hải đăng có tên Zhubi bắt đầu đi vào hoạt động.
Ngọn hải đăng phi pháp trên đá Subi được Trung Quốc khởi công xây dựng vào tháng 10/2015. Hải đăng hình trụ tròn, làm bằng bê tông cốt thép, bên ngoài sơn màu trắng với viền màu xanh da trời ở giữa, phần chân gồm hai tầng hình bát giác. Ngọn hải đăng này cao 55 m, có phạm vi chiếu sáng 22 hải lý.
Hải đăng Trung Quốc xây phi pháp trên đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Tân Hoa xã
Ngoài ra, Trung Quốc còn xây dựng Trạm nhận biết tàu thuyền tự động (AIS) và trạm radar cao tần (VHF) trên đá Subi, với cái cớ bao biện là "phục vụ thông tin hàng hải, cung cấp số liệu định vị" cho tàu thuyền qua lại.
Chinanews ngang nghiên nói rằng, hải đăng Zhubi, kết hợp với 2 ngọn hải đăng Trung Quốc trước đó đưa vào sử dụng trái phép hồi tháng 10/2015 tại đá Châu Viên và Gạc Ma, sẽ cải thiện điều kiện hàng hải và giảm các rủi ro và tai nạn hàng hải bằng cách cung cấp hỗ trợ lộ trình, thông tin an toàn, cứu hộ khẩn cấp và các dịch vụ công khác đối với các tàu thuyền đi ngang qua.
Hai hải đăng Trung Quốc xây dựng trước đó tại đá Châu Viên và Gạc Ma với tên gọi Huayang và Chigua, có chiều cao 50m, cùng có phạm vi chiếu sáng 22 hải lý.
Trung Quốc đã tiến hành cải tạo đất và xây dựng phi pháp trên ít nhất 7 đảo nhân tạo trên các bãi đá ngầm ở Trường Sa nhằm thực hiện tham vọng bành trướng trên biển của nước này. Trung Quốc cũng đang xây dựng nhiều công trình dân sự và quân sự trái phép trên các đảo đá này nhằm mục đích quân sự hóa tại Biển Đông.
Việt Nam nhiều lần khẳng định chủ quyền không thể chối cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời kiên quyết phản đối các hành động bồi đắp, xây dựng phi pháp trên các bãi đá tại quần đảo Trường Sa.
Đăng Nguyễn