Module lõi Thiên Hòa, mang theo các thiết bị hỗ trợ sự sống và không gian sống cho các phi hành gia, đã được phóng lên vũ trụ bằng tên lửa Trường Chinh 5B hôm thứ Năm.
Trạm vũ trụ Thiên Cung dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2022 sau khi Trung Quốc hoàn tất khoảng 11 sứ mệnh phóng module và tiến hành lắp ráp trên quỹ đạo.
Đài truyền hình CCTV đã tường thuật trực tiếp lễ phóng module tại đảo Hải Nam. "Một cung điện trên bầu trời sẽ không còn chỉ là tưởng tượng của cổ nhân", một biên tập viên bình luận.
Trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc sẽ tương tự như trạm Mir của Liên Xô, từng hoạt động từ những năm 1980 cho đến năm 2001. Thiên Cung có trọng lượng 90 tấn, có kích thước bằng 1/4 trạm vũ trụ quốc tế ISS và có tuổi thọ khoảng 15 năm.
Trạm sẽ có hai module khác phục vụ nghiên cứu khoa học và sẽ được trang bị các tấm pin mặt trời cũng như thiết bị thí nghiệm bao gồm một thiết bị thí nghiệm nguyên tử siêu lạnh, theo Hiệp hội Du hành vũ trụ Trung Quốc.
Hiện chính quyền Bắc Kinh chưa đưa ra kế hoạch cụ thể để sử dụng trạm vũ trụ của mình, nhưng cho biết họ sẵn sàng hợp tác với nước ngoài.
Vào tháng 3, Trung Quốc cũng cho biết nước này đang có kế hoạch xây dựng một trạm vũ trụ Mặt trăng với Nga.
Cơ sở này, được lên kế hoạch để hoạt động trên bề mặt hoặc quỹ đạo của Mặt trăng, sẽ chứa các cơ sở nghiên cứu thử nghiệm và sẽ là dự án hợp tác không gian quốc tế lớn nhất của Trung Quốc cho đến nay.