Rất nhiều người phàn nàn khi lên các chuyến tàu điện ngầm ở thành phố Quảng Châu bởi chúng quá đông, khiến họ thường xuyên bị ngã dúi vào lưng người khác, bị dẫm lên chân... Bởi vậy chính quyền bắt đầu đưa ra các chuyến tàu điện chỉ dành cho các nữ hành khách, những người lo ngại bị sàm sỡ trong môi trường đông người.
Những chuyến tàu đặc biệt đó ngay lập tức trở nên đông khách, nhưng chúng cũng phải tiếp nhận những hành khách không mong muốn.
"Nhiều ông hết sức vô lý. Đáng lẽ ra những chuyến tàu này chỉ dành cho nữ, thì họ lại cố gắng len lỏi vào" - cô Lu Lili, một nhân viên ngân hàng 28 tuổi, nói khi đang chen chúc trên chuyến tàu điện ngầm đầy đàn ông, mà đáng lẽ ra chỉ dành cho các nữ hành khách.
Cũng giống như nhiều đề xuất khác, các chuyến xe chỉ dành cho nữ ở Trung Quốc cũng thiếu đi sự ràng buộc về mặt pháp lý. Phụ nữ di chuyển trên các chuyến tàu điện ngầm thường xuyên trở thành nạn nhân của quấy rối tình dục, nhưng những kẻ vi phạm lại hiếm khi bị đem ra trước pháp luật.
Dựa trên một đề xuất mà một thành viên thuộc cơ quan lập pháp Trung Quốc đưa ra, các chuyến tàu điện ngầm dành cho phụ nữ từng được triển khai dựa trên tinh thần "chăm sóc và tôn trọng nữ giới". Tuy nhiên, ông Ye Zichuan, người đứng đầu cơ quan quản lý hệ thống tàu điện ngầm ở Quảng Châu, nói rằng các chuyến tàu nọ dành cho phụ nữ, nhưng không có nghĩa là "chỉ dành cho phụ nữ", bởi vậy mà không có cơ sở pháp lý nào để lực lượng hành pháp cấm hành khách nam.
Các chuyến tàu này cũng chỉ phục vụ vào những ngày làm việc trong tuần, vào giờ đi làm buổi sáng và giờ tan tầm buổi chiều. Cửa của các chuyến tàu nọ đều ghi rõ biển báo "Tàu dành cho phụ nữ" ghi bằng dòng chữ màu hồng.
Giới phê bình ở Trung Quốc thì nói rằng đề xuất trên thực ra chỉ nhằm hút sự chú ý của dư luận khỏi một vấn đề thực sự khác.
Nữ hành khách đi tàu điện ở Trung Quốc từ lâu đã thường phàn nàn họ bị đàn ông sàm sỡ trên các chuyến tàu đông người. Hơn 50% số phụ nữ tham gia cuộc thăm dò do tờ China Youth Daily thực hiện hồi năm 2015 nói rằng họ bị "sàm sỡ" khi đang di chuyển bằng các phương tiện công cộng ở nước này.
Cô Jane Zhao, 25 tuổi, một giám đốc điều hành công ty thương mại điện tử, kể rằng có lần cô đã bị một kẻ sàm sỡ trên tàu điện ngầm.
"Nhưng do quá đông người nên bạn không thể biết được thủ phạm, bởi vậy khó có thể gọi người tới giải quyết" - Zhao nói, thêm rằng nhiều đồng nghiệp của cô cũng từng là nạn nhân.
Trong nỗ lực nhằm tăng sự nhận thức của người dân về tấn công tình dục trên các phương tiện giao thông công cộng, một nhóm hoạt động vì nữ quyền ở Quảng Châu hồi năm ngoái đã gây quỹ hơn 60.000 USD để thực hiện các chiến dịch quảng bá.
Tuy nhiên, chính quyền thành phố này đã ngăn chặn họ, nói rằng chiến dịch này khiến dư luận hoảng loạn và chỉ các cơ quan thuộc chính quyền mới được phép thực hiện các chiến dịch tương tự.
"Về hình thức, có vẻ như đề xuất tàu điện ngầm dành cho nữ giới là nhằm bảo vệ phụ nữ, nhưng thực chất là họ bị yêu cầu ở một vị trí nhất định để tránh bị lạm dụng" - Xiao Meili, một thành viên của nhóm nữ quyền, cho hay.
Được biết, Quảng Châu có hệ thống tàu điện ngầm lớn thứ tư trên thế giới, sau Thượng Hải, Bắc Kinh và London. Mỗi ngày, hệ thống tàu điện ngầm ở thành phố này tiếp nhận khoảng 8 triệu lượt khách và trong thời điểm tan tầm, trung bình mỗi chuyến tàu phải chở 310 hành khách.
Các tình nguyện viên làm việc tại hệ thống tàu điện ngầm này cho hay, ngay sau khi đề xuất tàu dành cho phụ nữ được thực thi, họ đã bỏ ra rất nhiều thời gian chỉ để thuyết phục hành khách nam không lên các chuyến tàu nọ, nhưng cuối cùng không thể thành công. Rất nhiều đàn ông lên các chuyến xe này nói rằng, dù ủng hộ ý tưởng trên, nhưng họ cũng cần phải có chỗ trên các chuyến tàu nọ nếu không muốn lỡ việc.