Cuộc khủng hoảng của Evergrande đã ảnh hưởng đến tâm lý giới đầu tư và làm xáo trộn thị trường bất động sản của Trung Quốc, đồng thời làm dấy lên lo ngại về khả năng kéo ngược đà tăng trưởng kinh tế đất nước.
Tuần trước, tập đoàn này đã bất ngờ trả lãi trái phiếu ra nước ngoài ngay trước thời hạn thứ Bảy, qua đó ngăn chặn kịch bản vỡ nợ. Evergrande cũng thông báo rằng họ đã tiếp tục công việc của hơn 10 dự án bị đình trệ.
Hôm thứ Ba, chính quyền Bắc Kinh được cho là đã gây sức ép buộc ông Hứa Gia Ấn phải tự dùng tài sản cá nhân để trả bớt số nợ cho công ty.
Tuy nhiên, số tiền mà ông Hứa bỏ ra sẽ không đáng kể so với khoản nợ hơn 300 tỷ USD của Evergrande, hiện tài sản của vị tỷ phú 63 tuổi chỉ ở mức dưới 8 tỷ USD.
Chỉ vài năm trước, ông Hứa còn là người giàu nhất Trung Quốc với khối tài sản trị giá hơn 40 tỷ USD, trước khi đế chế Evergrande lâm vào cảnh nợ nần.
Chính quyền các tỉnh tại Trung Quốc đang giám sát tài khoản ngân hàng của Evergrande để đảm bảo công ty dùng số tiền còn lại để hoàn thành các công trình đang "đóng băng" thay vì trả lãi cho chủ nợ.
Việc siết chặt hoạt động cho vay đối với lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đã dẫn đến cuộc khủng hoảng tiền mặt của Evergrande, cũng như đã ảnh hưởng đến một số công ty xây dựng lớn khác, như Sinic và Fantasia.
"Tai ương" của Evergrande xảy ra khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đẩy mạnh chiến dịch "thịnh vượng chung" nhằm tái phân phối của cải trong xã hội và giám sát hoạt động kinh doanh của các tỷ phú.