Chiều 23/3, đại diện Trung tâm Công nghệ Giáo dục (CGD) của GS Hồ Ngọc Đại xác nhận với Zing.vn rằng đơn vị này đã gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.
Theo nội dung văn bản trên, Bộ GD&ĐT đã tổ chức thẩm định sách giáo khoa mới phục vụ cho công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Cuốn sách Tiếng Việt 1 và Toán 1 của Trung tâm Công nghệ Giáo dục, do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên, đã bị đánh giá “không đạt” ngay từ vòng đầu.
Kết quả này làm nhiều giáo viên, phụ huynh ở 48 tỉnh thành thắc mắc, bức xúc và hoang mang. Hiện cả nước có trên 900.000 học sinh lớp 1 học theo sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục.
Sách giáo khoa Công nghệ Giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên. Ảnh: Q.Q. |
Theo báo Thanh Niên, bản kiến nghị đưa ra dẫn chứng Công nghệ Giáo dục đã được định hình trong quá trình nghiên cứu và thực nghiệm lâu dài (trên 40 năm). Ý tưởng khoa học đến những quan điểm giáo dục có tính lý luận, triết lý của cuốn sách đã thành một phương án giáo dục mới ở tiểu học. Đến nay, những quan điểm đó đã được áp dụng khá rộng rãi như lấy học sinh là trung tâm, học sinh mỗi ngày đến trường là một ngày vui, đi học là hạnh phúc, học sinh học tập đảm bảo an toàn, đạt chất lượng cao.
Từ năm 1979 đến nay, sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục một lần bị dừng triển khai. Đó là thời điểm thay sách giáo khoa năm 2000, cả nước chỉ thực hiện một chương trình, một bộ sách duy nhất.
Tuy nhiên, 6 năm sau đó, nạn "ngồi nhầm lớp", lưu ban gia tăng do học sinh học kém Tiếng Việt ở một số địa phương khó khăn đã khiến Bộ GD&ĐT phải đưa trở lại Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục theo hình thức dự án tăng cường dạy Tiếng Việt cho học sinh khó khăn. Điều này khẳng định giá trị của tài liệu, phương pháp dạy học này.
Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục tiếp tục được triển khai rộng rãi ở những địa phương có nhu cầu, 48 tỉnh, thành triển khai sách này. Trong 3 năm học gần nhất, 700.000-900.000 học sinh học sách trên. Hiện tại, Trung tâm Công nghệ Giáo dục đã biên soạn xong sách cho bậc tiểu học theo phương pháp Công nghệ Giáo dục.
"Trong khi sách giáo khoa chính thống đến nay phải qua hai đợt cải cách, sách Công nghệ Giáo dục đã qua 3 lần thẩm định (năm 1990, 2017 và 2018) mà chưa phải cải cách lần nào, chỉ phải chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện để phát triển.
Về bản chất, chương trình Công nghệ Giáo dục phù hợp đường lối, quan điểm đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện, cả về lý thuyết và trên thực tiễn", bản kiến nghị nêu.
Trước đó, trao đổi với Zing.vn, PGS Nguyễn Lân Hiếu - người từng học chương trình của GS Hồ Ngọc Đại - nói hội đồng thẩm định cho rằng sách của GS Đại dạy nhiều kiến thức không cần thiết, hàn lâm, quá chương trình như về ngữ âm, các câu ca dao tục ngữ không phù hợp, giáo viên phải tăng giờ làm để bù chỗ còn thiếu, yếu của cuốn sách.
"Hội đồng thẩm định đưa ra những ý kiến của giáo viên như vậy trên cơ sở khoa học nào? Tôi là người làm khoa học nên tin vào khoa học thực chứng. Hội đồng thẩm định đã triển khai khảo sát, lấy ý kiến của giáo viên dạy Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục trên phạm vi cả nước rồi đưa ra ý kiến như vậy mới thuyết phục", ông Hiếu nói.
Theo GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, chúng ta sẽ trở lại lối quản lý theo “tư duy đồng phục" nếu đòi hỏi tất cả bộ sách giáo khoa đều phải biên soạn giống nhau đến từng nội dung.
Ông Thêm đề xuất Bộ GD&ĐT, cũng như hội đồng thẩm định, nên thẩm định sách giáo khoa của GS Hồ Ngọc Đại theo "chuẩn đầu ra của chương trình".