Giảm áp lực
Thầy Đỗ Quang Tám - Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Bảo Thắng, huyện Bảo Thắng (Lào Cai) cho biết: Với quyết định điều chỉnh 3 đầu điểm cho bài thi tổ hợp giúp HS và phụ huynh phấn khởi, yên tâm và ủng hộ. Mặt khác, công tác ôn tập không nhiều xáo trộn, các hướng ôn tập đã được các nhà trường, HS lên kế hoạch và triển khai hỗ trợ hữu ích.
Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cũng bày tỏ, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay giữ nguyên 3 đầu điểm với mỗi bài thi tổ hợp sẽ thuận lợi trong việc xét tuyển ĐH.
Theo đánh giá chung từ thầy cô, phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2020 thực chất không khác nhiều so với năm 2019. Thay đổi lớn là giảm nhẹ áp lực cho thí sinh. Bộ GD&ĐT vẫn tổ chức ra đề thi, xây dựng và cung cấp phần mềm chấm thi, các thí sinh dự thi ngay tại địa phương mình. Nội dung thi nằm trong chương trình học sau tinh giản theo tinh thần “học gì thi nấy”.
Cũng theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, độ khó của đề thi sẽ giảm, không đánh đố để phù hợp với điều kiện dạy, học trong tình hình dịch bệnh và mục đích chính là xét tốt nghiệp THPT, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông trên mặt bằng chung của cả nước...
Chủ động ôn tập
Thầy Phạm Xuân Thảo - Hiệu trưởng Trường THPT Lao Bảo, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) chia sẻ: Trường có 186 HS lớp 12 tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong 2 tuần đầu HS đi học lại, trường ưu tiên dành thời gian ổn định nền nếp, học tập… sau đó mới chú trọng đến công tác ôn tập.
Việc không thể thiếu trước khi bước vào ôn tập là kiểm tra đánh giá chất lượng sau thời gian nghỉ dài, sàng lọc đối tượng theo nguyện vọng, năng lực. Cũng trên cơ sở kết quả học tập, nhu cầu thực tế của HS vào các trường ĐH, nhà trường sẽ tách riêng nhóm ôn tập. Ngoài ôn phần kiến thức chung, HS khối 12 sẽ được tăng cường thêm 1 - 2 tiết môn chính (Toán, Anh, Văn…) trong tuần. Với HS chỉ có nhu cầu xét tốt nghiệp, trường ập trung ôn tập bám theo đề minh họa của Bộ GD&ĐT chứ không luyện kiến thức nâng cao.
Trong khi đó, theo thầy Nguyễn Minh Thuận - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lào Cai (Lào Cai), khi Bộ GD&ĐT quyết định chấm 3 đầu điểm cho bài thi tổ hợp thay vì 1 đầu điểm, những lo lắng của các em được giải tỏa. HS được yêu cầu và luyện tập trình bày bài theo phương pháp tự luận. Một số môn sang lớp 12 mới bắt đầu làm quen với phương pháp trắc nghiệm, phần kiến thức học và luyện tập được đẩy cao hơn so với mặt bằng chung... Chính vì vậy, sự thay đổi của kỳ thi không khiến HS bỡ ngỡ hoặc quá lo lắng về cách làm bài. Quan trọng là HS đã nắm chắc kiến thức.
Ảnh minh họa/ INT |
Nói về công tác ôn tập, thầy Thuận cho biết: Bên cạnh việc dạy và ôn tập kiến thức chung, trường vẫn hướng theo đề án tuyển sinh từ các trường ĐH. Qua đó nắm bắt xu hướng, hình thức, các thông tin cần lưu ý… để ôn tập và hướng dẫn HS kiến thức, cách làm bài tốt nhất. Trên cơ sở phân tích, đánh giá, thông tin tuyển sinh, chất lượng HS, nguyện vọng… trường chỉ đạo các tổ bộ môn bàn bạc và sớm trình phương án ôn tập hiệu quả. Với các đề minh họa, GV vẫn phân tích cấu trúc, xu hướng để ôn tập cho HS nhưng cũng không quá phụ thuộc…
“Không phải HS nào cũng có nguyện vọng thi như nhau, đề án tuyển sinh của các trường ĐH cũng khác nhau, vì vậy, để ôn luyện hiệu quả vẫn phụ thuộc vào đăng ký nguyện vọng của mỗi HS, từ đó nhà trường tìm hướng ôn tập phù hợp nhất” - thầy Thuận cho biết thêm.
Thầy Đỗ Quang Tám chia sẻ: “Việc ôn luyện của thầy trò tiến hành theo điều chỉnh chung. 2 tuần đầu HS đi học trở lại ưu tiên bảo đảm an toàn sức khỏe, dạy học chính khóa sau đó dành thời gian các buổi chiều để tập trung cho công tác học ôn luyện khối 12. Bên cạnh khung chương trình ôn tập trường đã xây dựng, chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm hướng dẫn của Bộ về giảm tải kiến thức. Việc nghiên cứu cấu trúc đề thi minh họa kĩ càng từ đó tìm ra hướng ôn tập phù hợp với HS cũng là hướng đi được trường quan tâm và chỉ đạo sát sao để mang lại hiệu quả, chất lượng ôn luyện…”.