Tư lệnh quân đội Sudan, Tướng Abdel Fattah al-Burhan ngày 20/4 tuyên bố “không có chỗ” cho các cuộc đàm phán với người đứng đầu nhóm vũ trang Các Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự, Tướng Mohamed Hamdan Daglo.
Phát biểu với báo giới, ông al-Burhan khẳng định: “Tôi không nghĩ là có thể đàm phán về chính trị với RSF."
Tuy nhiên, ông al-Burhan để ngỏ khả năng hòa giải dù không đàm phán trực tiếp với lực lượng bán quân sự.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Sudan ra tuyên bố nêu rõ tất cả các cuộc hòa giải quốc gia, khu vực và quốc tế nhằm thuyết phục RSF hợp nhất với các lực lượng vũ trang đều thất bại.
Bộ Ngoại giao Sudan khẳng định những gì đang xảy ra là vấn đề nội bộ, nên để cho người Sudan tự giải quyết, tránh sự can thiệp từ bên ngoài.
Trong một động thái liên quan, phát biểu với báo giới sau hội nghị trực tuyến với những người đứng đầu Liên minh châu Phi (AU), Liên đoàn Arab (AL) và Cơ quan liên chính phủ về phát triển (IGAD) cùng các tổ chức hữu quan khác, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cùng ngày đã kêu gọi các bên đối địch ở Sudan ngừng bắn 3 ngày để kỷ niệm lễ hội Eid al-Fitr của người Hồi giáo và “cho phép dân thường đang mắc kẹt ở những khu vực xung đột di tản, cũng như tìm kiếm các dịch vụ y tế, thực phẩm và những mặt hàng thiết yếu phẩm khác.”
Cũng trong ngày 20/4, Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) cho biết khoảng 10.000-20.000 người Sudan đã tìm cách sơ tán sang Cộng hòa Chad láng giềng nhằm tránh giao tranh ở vùng Darfur trong những ngày qua. Theo UNHCR, đây là con số “đáng báo động.”
Phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn tuyên bố của UNHCR khẳng định phần lớn những người tị nạn Sudan đến Cộng hòa Chad là phụ nữ và trẻ em.
Tuyên bố có đoạn: “Những nhu cầu ban đầu và cấp thiết nhất là nước uống, lương thực, chỗ ở, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ trẻ em và ngăn ngừa bạo lực giới tính. Do những người vượt biên đã phải chứng kiến tình trạng bạo lực, hỗ trợ tâm lý xã hội cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu.”
Theo UNHCR, miền Đông Cộng hòa Chad, giáp với Darfur, trước đó đã tiếp nhận 400.000 người tị nạn từ Sudan, và những người mới đến đang gây thêm căng thẳng cho các dịch vụ và nguồn lực công cộng vốn đã quá tải của quốc gia láng giềng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bạo lực giữa quân đội Sudan và RSF đã khiến khoảng 300 người thiệt mạng và hơn 3.000 người bị thương.
Giao tranh xảy ra sau nhiều tuần căng thẳng giữa của Tướng al-Burhan và Tướng Daglo liên quan kế hoạch sáp nhập lực lượng bán quân sự này vào quân đội chính quy.
RSF được thành lập vào năm 2013, thuộc sự quản lý của Cơ quan An ninh và Tình báo Quốc gia Sudan.
Trong các hoạt động quân sự, RSF chịu sự chỉ huy của quân đội chính quy Sudan.
Hiện Tướng Abdel Fattah al-Burhan đã ra lệnh giải tán RSF và coi đây là nhóm nổi loạn.
Trong một diễn biến liên quan, một quan chức Mỹ giấu tên ngày 20/4 xác nhận Lầu Năm Góc đang chuẩn bị tăng cường số lượng lớn binh sỹ đến căn cứ của quân đội nước này ở Djibouti trong trường hợp phải triển khai một cuộc sơ tán cuối cùng khỏi Sudan, giữa lúc các phe phái đối địch đang tiếp tục giao tranh tại thủ đô Khartoum.
Lầu Năm Góc tuyên bố: “Chúng tôi sẽ triển khai lực lượng tăng cường ở các khu vực gần đó nhằm phục vụ những mục đích mang tính đề phòng liên quan đến nhiệm vụ đảm bảo an toàn và có thể tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sơ tán các nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại Sudan.”
Trước đó, phát biểu bên lề Hội nghị ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Nhật Bản, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 18/4 cho biết một đoàn xe ngoại giao của nước này tại Sudan đã trúng đạn trong cuộc tấn công do những tay súng có liên hệ với Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) thực hiện hôm 17/4, đồng thời lên án vụ việc.
Ông nhấn mạnh Washington quan ngại sâu sắc về môi trường an ninh tổng thể tại Sudan vì tình trạng này không chỉ tác động tiêu cực tới dân thường mà còn ảnh hưởng tới các nhà ngoại giao và đội ngũ nhân viên cứu trợ.