Từ trăn trở của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới Nghị quyết 120

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -Từ những trăn trở của các nhà lãnh đạo như Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt cho tới Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ xác định bốn quan điểm chỉ đạo mở ra một chặng đường mới cho ĐBSCL là một chặng đường dài. Nghị quyết 120 như một tổng thể các giải pháp giúp ĐBSCL phát triển bền vững.
Hạ tầng giao thông ĐBSCL đang hoàn thiện hơn. - Ảnh: VGP/Hoàng Giám
Hạ tầng giao thông ĐBSCL đang hoàn thiện hơn. - Ảnh: VGP/Hoàng Giám

Trước thềm Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu và sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phỏng vấn GS. TSKH Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Khoa học kỹ thuật nhà nước (1980-1992), Chủ nhiệm Chương trình khoa học cấp nhà nước Điều tra cơ bản tổng hợp ĐBSCL (1983-1990), đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, XI.

Vấn đề phát triển bền vững ĐBSCL đã được đặt ra từ lâu, nhưng theo GS, tại sao phải tới năm 2017, Nghị quyết 120 của Chính phủ mới được ban hành như một chương trình tổng thể, một tầm nhìn dài hạn cho vùng châu thổ này?

GS Nguyễn Ngọc Trân: Sau năm 1975, ĐBSCL cùng cả nước bắt tay ngay vào công cuộc tái thiết đất nước, lúc đó đang bị bao vây cấm vận, hòa bình vẫn chưa được trọn vẹn ở hai đầu biên giới phía Bắc và Tây Nam.

Việt Nam phải đương đầu với những vấn đề kinh tế xã hội của thời kỳ hậu chiến, phải nhập khẩu gạo. Áp lực lương thực đè nặng lên cả nước, trước tiên là ĐBSCL.

Khó khăn khi đó đối với đồng bằng, đặc biệt trong hai đồng lũ Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, là ngập trắng nước vào mùa mưa, nẻ đất xì phèn và bị mặn vào mùa khô.

Việt Nam đã vượt qua khá thành công thách thức về lương thực. Tổng sản lượng lúa của đồng bằng năm 1976 đạt khoảng 4,5 triệu tấn, năm 1986 khoảng 7 triệu tấn. Hiện nay, xấp xỉ 25 triệu tấn. Xuất khẩu gạo từ ĐBSCL chiếm khoảng 90% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đối với mặt hàng này.

Tuy nhiên, cái giá phải trả là tài nguyên đất bị khai thác kiệt quệ, đồng ruộng không được hứng phù sa và làm vệ sinh hằng năm vào mùa lũ như trước đây. Phân bón hóa học và thuốc trừ sâu được sử dụng liên tục, suốt năm. Tài nguyên nước bị lãng phí vì một lượng nước vào mùa mưa trước đây tràn đồng thì nay bị dồn vào trong lòng dẫn các sông kênh, chảy xiết để thoát lũ. Tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng tăng về số lượng và về mức độ nghiêm trọng. Đa dạng sinh học, đặc biệt các loài cá đen, rùa, rắn, các loài chim, cùng với các hệ sinh thái ngập nước Đồng Tháp mười, Tứ giác Long Xuyên, U Minh biến mất dần.

Thủy sản là một thế mạnh khác của ĐBSCL. Hiện nay tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản ĐBSCL chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước mặt hàng này. Nhưng cái giá phải trả cho sự phát triển ồ ạt là rừng ngập mặn nhường chỗ cho các vuông nuôi tôm.

Có thể nói mô hình tăng trưởng kinh tế ở đồng bằng là một cuộc chạy đua tốc độ không ngưng nghỉ suốt hơn 40 năm theo số lượng, chủ yếu bằng khai thác tài nguyên.

Mặc dù vậy, từ đầu những năm 2000, thu nhập bình quân đầu người ở ĐBSCL thấp hơn bình quân cả nước, phản ánh thực tế là không có nền kinh tế nào có thể phát triển bền vững khi dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên, mà tài nguyên thì ngày càng cạn kiệt.

Đầu những năm 2010, nhiều tiếng nói đã cảnh báo phải xem xét lại hiệu quả tổng hợp kinh tế - xã hội - môi trường và cho rằng đã đến lúc phải thay đổi mô hình tăng trưởng ở đồng bằng. Cụ thể phải chuyển từ số lượng sang chất lượng, từ sản xuất nông nghiệp cây lúa sang kinh tế nông nghiệp, từ phát triển chiều rộng sang chiều sâu với khoa học và công nghệ.

Định hướng lại sự phát triển bền vững ĐBSCL, không xem lũ là tai họa, xem nước lợ và nước mặn cũng là tài nguyên và mọi tác động lên đồng bằng phải phù hợp với quy luật, đã trở thành một yêu cầu bức thiết, khách quan.

Những ai chia sẻ ý kiến về sự cần thiết của những thay đổi này đều trông đợi ở Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, được tổ chức ngày 26 và 27/09/2017 tại Cần Thơ, do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp chủ trì.

Nghị quyết 120/NQ-CP ra đời ngay sau Hội nghị xác định bốn quan điểm chỉ đạo đã mở ra một chặng đường mới cho ĐBSCL.

Đó là, kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng, chủ động thích ứng, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển, chú trọng bảo vệ đất, nước và con người.

Thay đổi tư duy phát triển, từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng; từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; phát triển mạnh mẽ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch gắn với chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu.

Tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn.

Phát triển bền vững vùng ĐBSCL vì lợi ích chung của đất nước và là sự nghiệp của toàn dân, khuyến khích, huy động tất cả các tầng lớp, thành phần xã hội, các đối tác quốc tế và doanh nghiệp tham gia vào quá trình phát triển.

“Tôi tin vào điều này”

Từ quan sát của một nhà khoa học, ông có thể điểm lại những kết quả lớn nhất đạt được cũng như những hạn chế sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết?

GS Nguyễn Ngọc Trân: Nghị quyết 120/NQ-CP đã giao Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu và 15 Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương những nhiệm vụ cụ thể và thời gian hoàn thành.

Điều đáng khích lệ là trong ba năm qua, các quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết đang thấm dần và đã thể hiện trên thực tế bằng những giải pháp phi công trình để ứng phó với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn.

Hạn hán năm 2019 -2020 có lúc còn khắc nghiệt hơn cả hạn hán 2015-2016, nhưng nông dân đã sử dụng nước tiết kiệm và trữ nước mùa mưa, bắt đầu biết lúc nào nên đưa nước vào ruộng, lúc nào không, và đưa bao nhiêu để vừa tiết kiệm nước vừa thải ra ít khí nhà kính. Nhờ vậy mà tổn thất ít hơn dự kiến trước đó. Mùa khô năm nay, chắc chắn các biện pháp phi công trình sẽ được áp dụng rộng rãi và căn cơ hơn nữa. Tôi tin vào điều này.

Diện tích canh tác ba vụ lúa đang trên đà được cắt giảm nhưng cần vững chắc hơn. Nhiều mô hình canh tác ở vùng nước lợ, mặn có triển vọng. Nhiều giống lúa chịu mặn được thử nghiệm cho kết quả khích lệ. Nhiều mặt hàng gạo Việt Nam đã được vinh danh quốc tế. Thương hiệu gạo Việt Nam bắt đầu có chỗ đứng vững vàng. Giá xuất khẩu của gạo Việt Nam không còn “đội sổ”. Chuỗi một số ngành hàng nông sản ở đồng bằng bắt đầu được xâu kết.

Rõ ràng ĐBSCL đang chuyển mình từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ số lượng sang chất lượng, và thực tế này là không thể đảo ngược.

Tuy nhiên, tham dự Hội nghị lần trước đánh giá hai năm thực hiện Nghị quyết, theo cảm nhận chủ quan của tôi, có một số nhiệm vụ có sự chậm trễ so với kế hoạch, mặt khác, với một số nhiệm vụ, sự quán triệt các quan điểm chỉ đạo hoặc chưa đủ sâu sắc, hoặc khi triển khai chưa ra khỏi quỹ đạo của tư duy cần thay đổi.

Sự liên kết giữa các tỉnh trong các tiểu vùng của đồng bằng, và giữa các tiểu vùng, theo hiểu biết của tôi, vẫn chưa thực sự chuyển mình.

Đồng bằng đang rất cần một cảng biển và một một luồng tàu khả dĩ gánh vác nhiệm vụ xuất nhập khẩu hàng hóa của đồng bằng ngay trong thập niên 2021-2030 vì đã quá cấp thiết.

Một sự bừng tỉnh gần đây sau gần 10 năm “ngủ đông” là đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Rất mừng nhưng các cơ quan liên quan cũng rất cần rút kinh nghiệm sâu sắc vì những thiệt hại to lớn mà sự chậm trễ đã gây nên.

Ưu tiên đầu tư cho giao thông ở ĐBSCL sau 10 năm mũi đột phá này gần như bị lãng quên là rất cần thiết. Đồng bằng cần một quy hoạch giao thông tích cực, hợp quy luật, có lịch trình rõ ràng và tối ưu giữa giao thông bộ, thủy nội địa và đường biển, và sớm phát huy hiệu quả, tạo nên giá trị gia tăng cho nền kinh tế của đồng bằng mà cũng là cho cả nước.

Được mời góp ý cho Dự án xây dựng Quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL (Mekong Delta Integrated Regional Plan, MDIRP), tôi đã gửi ý kiến của mình đến Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Còn một vướng mắc lớn nhưng chưa thấy hướng giải pháp thực sự căn cơ, đó là nước ngọt sinh hoạt trong vùng ven biển và Bán đảo Cà Mau. Quản lý tốt hơn việc khai thác nươc ngầm để hạn chế sụt lún đất và các hệ lụy về ngập úng là cần nhưng chưa đủ vì phải có nước ngọt sinh hoạt cho dân. Tôi tin rằng với tiến bộ khoa học công nghệ rất nhanh về năng lượng gió, năng lượng mặt trời, và công nghệ lọc nước mặn thành nước ngọt, khó khăn này sẽ được giải quyết, giúp người dân bám trụ

GS từng nhấn mạnh quan điểm phải coi ĐBSCL như một cơ thể sống, sống hài hòa và phát triển cùng với nó. Việc triển khai Nghị quyết đã thực sự đi theo hướng “thuận thiên”, quan điểm của GS về việc này?

GS Nguyễn Ngọc Trân: Đừng xem đồng bằng là một thứ vật chất vô tri và tự ý gọt đẽo. Hãy xem nó như một cơ thể sống, các dòng sông là mạch máu, nước là máu, trầm tích là thịt. Vì sự phát triển bền vững, hãy sống hài hòa, phát triển cùng với nó. Tôi vẫn tự hỏi không biết cơ thể con người có thể tiếp nhận tối đa bao nhiêu stent, ở những bộ phận nào, và ở độ tuổi nào.

So sánh này không khiên cưỡng bởi lẽ đồng bằng “sống” với nhiều nhịp điệu (nửa ngày, một ngày của triều, một tháng của triều cường, sáu tháng của hai mùa mưa và khô, một năm của lũ, thập niên của sự ra đời và biến đổi của những cồn bãi, cù lao…), một đặc thù làm nên sự đa dạng và trù phú của nó.

Đến hôm nay, tôi vẫn đinh ninh hai lời căn dặn của hai cố Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Võ Nguyên Giáp và Võ Văn Kiệt đối với Chương trình Điều tra cơ bản tổng hợp ĐBSCL.

Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, “ĐBSCL là một vùng đất đầy tiềm năng nhưng là một châu thổ trẻ, rất mẫn cảm với mọi tác động lên nó. Cần phải theo dõi đồng bằng một cách khách quan và khoa học. Chương trình cần xem xét cơ sở khoa học của các quyết định khai thác ĐBSCL”.

Với tầm nhìn chiến lược của Đại tướng, tôi hiểu rằng các tác động lên đồng bằng là các tác động tại chỗ và từ xa, từ thượng nguồn và từ biển, cần được tiếp cận theo quan điểm hệ thống và động. Có nghĩa là hậu quả của các tác động cần được đánh giá toàn diện, trong không gian và theo thời gian, đối chiếu với quy luật.

Còn theo đồng chí Võ Văn Kiệt, “Chương trình điều tra các mảng địa chất, thổ nhưỡng, thủy văn, sinh vật, trình ra các biểu đồ, bản đồ, … nhưng phải nói cho được trên mỗi vùng đất của đồng bằng, chúng ta có thể khai thác như thế nào, với những điều kiện gì.”.

“Khai thác như thế nào, với những điều kiện gì”, tôi hiểu đó là mọi quyết định khai thác đồng bằng luôn có hai mặt. Phải chỉ ra các điều kiện gì để mặt thuận hơn hẳn mặt nghịch, tổng hợp trên cả ba mặt kinh tế, xã hội và môi trường, trước mắt và lâu dài, để lãnh đạo có cơ sở cân nhắc, quyết định.

Xin trân trọng cảm ơn GS!

Theo Chính phủ
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
(Ngày Nay) - Nga vừa thông báo tuyển tình nguyện viên để thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa ung thư mới có tên là Enteromix. Vaccine do Trung tâm Nghiên cứu Y học Quốc gia về X quang của Bộ Y tế và Viện Y sinh Engelhardt thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga hợp tác điều chế, được Nga tuyên bố là bước đột phá trong cuộc chiến chống ung thư.