Các nhà khoa học tại Trung tâm Khoa học Nhân khẩu học Oxford’s Leverhulme vừa công bố một nghiên cứu về tác động của COVID-19 tới tuổi thọ trung bình của người dân tại 29 quốc gia, bao gồm Mỹ, Chile và các nước châu Âu.
Được đăng trên Tạp chí Dịch tễ học Quốc tế ngày hôm nay (27/9), nghiên cứu chỉ ra rằng, trong năm 2020, có tới 27/29 quốc gia ghi nhận sự sụt giảm tuổi thọ trung bình so với năm 2019.
Ngoài ra, tại 29 quốc gia được nghiên cứu tuổi thọ trung bình ở nam giới đều bị giảm nhiều hơn nữ giới. Mỹ là nước có mức giảm lớn nhất ở tuổi thọ trung bình của nam giới là 2,2 năm, tiếp theo là Lithuania với 1,7 năm.Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh cũng cho biết, tuổi thọ trung bình nam giới ở nước này đã giảm lần đầu tiên sau 40 năm.
Nghiên cứu kết luận, đại dịch COVID-19 là nguyên nhân gây ra sự sụt giảm trên.
"Đối với một số nước như Tây Âu như Tây Ban Nha, Anh và xứ Wales, Ý, Bỉ, lần cuối cùng họ ghi nhận mức độ suy giảm tuổi thọ trung bình lớn như vậy là 1 năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai," Tiến sĩ José Manuel Aburto, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết.
Tiến sĩ Ridhi Kashyap, một đồng tác giả khác, cho biết nghiên cứu vẫn còn một số điểm cần cải thiện, chẳng hạn như các khâu đếm, kiểm tra và phân loại số ca tử vong do COVID-19. Tuy nhiên, ông khẳng định, kết quả nghiên cứu cho thấy "COVID-19 đã tạo ra những cú sốc rất lớn với nhiều quốc gia."
"Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình cung cấp thêm dữ liệu, để thế giới có thể hiểu rõ hơn về tác động của đại dịch trên toàn cầu."