Ngày 19/5/2009 là lễ kỷ niệm 50 năm ra đời và xây dựng con đường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Trong 16 năm tồn tại trong bom đạn chiến tranh, ở bảy năm cuối cùng khốc liệt nhất của chiến cuộc, con đường lịch sử này gắn liền với tên tuổi và tài năng chỉ huy của tướng Đồng Sỹ Nguyên.
Từ ngày 15/5, Đài truyền hình TP.HCM sẽ khởi chiếu bộ phim dài năm tập Tướng Đồng Sỹ Nguyên với Trường Sơn huyền thoại trên HTV9 vào lúc 17 giờ 25.
“Nhất dạ sinh bách kế”
Theo dòng phim, người xem hôm nay biết thêm nhiều điều đáng kinh ngạc về kỳ tích trên con đường Trường Sơn ngày nào dưới sự mưu trí của tướng Đồng Sỹ Nguyên. Những năm 1966-1968, máy bay địch rải bom ngày đêm, đoàn xe vận chuyển lương thực, vũ khí cho bộ đội chiến đấu ở miền Nam không thể lăn bánh mà thương vong cho lái xe tăng cao. Các chiến sĩ trực tiếp chiến đấu thì rơi vào tình cảnh thiếu đói.
Là chính ủy Bộ tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, rồi tư lệnh Đoàn 559 kiêm chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần tiền phương, lòng dạ Đồng Sỹ Nguyên như xát muối. Vị tướng mệnh danh là người “nhất dạ sinh bách kế” này nghĩ ra cách đánh “hiệp đồng binh chủng” chưa từng có trong lịch sử quân sự Việt Nam. Ông chỉ đạo chủ động đối mặt khó khăn, mọi lực lượng tập trung hỗ trợ cho bánh xe lăn, không chờ khi an toàn mới cho xe chạy. Ở những điểm bị đánh phá ác liệt nhất, ông điều đồng thời cả lực lượng cao xạ đến bắn hạ máy bay, lực lượng công binh để làm đường, lực lượng hậu cần, cứu thương để kịp thời tiếp tế, cứu chữa cho chiến sĩ... Không còn đơn độc đối mặt với bom đạn, các chiến sĩ lái xe yên tâm cùng đoàn xe lăn bánh. Nguồn tiếp tế huyết mạch cho chiến trường lại được khơi thông. Ông còn cho mở trên 800 km đường kín trong rừng già vòng tránh an toàn qua những điểm nóng chiến sự ác liệt...
Càng về sau phim càng thu hút người xem qua những hình ảnh, sự kiện, con người lịch sử trọng đại và cụ thể. Dưới trí tuệ, tầm nhìn xa rộng của tướng Đồng Sỹ Nguyên, qua những hình ảnh trong phim, đường Trường Sơn năm xưa thật đáng kinh ngạc khi không chỉ là đường mòn mà còn có những con lộ lớn rải đá. Vị chỉ huy tài giỏi còn xây dựng được cả một hệ thống cáp trục giữ liên lạc điện đàm điện thoại thông suốt từ miền Bắc vào chiến trường. Những năm tháng ấy, dân công phải cõng xăng trên lưng trong những bịch nylon đội bom đạn, đổi máu thành xăng tiếp tế cho chiến trường. Từ tháng 6/1968 đến tháng 2/1975, chỉ bằng sức người và phương tiện thô sơ, dưới làn mưa đạn giăng trên đầu, vị tướng đã chỉ huy chiến sĩ Trường Sơn xây lắp được 5.000 km đường ống cung cấp xăng dầu kéo dài từ biên giới Việt-Trung vào đến tỉnh Bình Phước, làm nên một “đường Hồ Chí Minh xuyên lòng đất”.
Tất cả những chiến công lớn lao đó xuất phát từ việc bám thực tế của vị tướng. Từng thoát chết trong gang tấc trên đường Trường Sơn khi chiếc xe chở ông trúng bom, tài xế hy sinh tại chỗ, ông vẫn không ngại ngần đi thực tế đến những điểm bom đạn ác liệt nhất để nắm tình hình, nắm tâm tư, tình cảm chiến sĩ để tìm ra quyết sách đúng. Gắn bó với Trường Sơn, hơn ai hết ông đau đáu với xương máu của các chiến sĩ đã ngã xuống. Ông quyết tâm xây dựng nghĩa trang Trường Sơn có tầm vóc xứng đáng để mãi mãi nhắc nhớ họ. Ngày 10/4/1977 công trình nghĩa trang Trường Sơn hoàn thành như tâm nguyện vị tướng.
Kiến thiết đất nước
Trở về với thời bình, ở các cương vị thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng kinh tế, rồi bộ trưởng Bộ Xây dựng, ủy viên Bộ Chính trị, phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, ông lại không ngừng đóng góp trí tuệ cho đất nước.
Thời kỳ đầy khó khăn khi vừa thống nhất, ông làm việc cả thứ Bảy, Chủ nhật để giải quyết vấn đề “giá-lương-tiền”, giải tỏa bức bách thiếu lương thực, hàng tiêu dùng... cho cả nước. Ông xây dựng Điều lệ xây dựng cơ bản đầu tiên sau 1975, trong đó yếu tố “khoán gọn, khoán sản phẩm” rất thành công. Các nhà máy xi măng Bỉm Sơn, Hải Phòng, Kiên Lương, Nhà máy nhiệt điện Phả Lại, Khu gang thép Thái Nguyên, công trình thủy điện Hòa Bình, cầu Chương Dương... đều mang dấu ấn của ông. Cái tầm của một “kiến trúc sư” kiến thiết cho đất nước ở ông thể hiện ở quan điểm từ thời ông còn là bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải: “Đường có thể làm sau, riêng những cây cầu phải được ưu tiên vì đó là những điểm nối huyết mạch giao thông liền mạch”. Với tuổi trẻ, ông gửi gắm ý nguyện: “Trong chiến tranh, tuổi trẻ phải tập trung ở chiến trường; trong thời bình, tuổi trẻ cần tập trung vào tri thức, đó là con đường ngắn nhất đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo”.
Bộ phim kết lại ở những hình ảnh đẹp, đáng ngưỡng mộ của vị tướng tinh anh, ở tuổi 80 vẫn cống hiến trí tuệ cho đất nước. Ông là một trong những người tâm huyết nhất với dự án xây dựng đường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh xưa thành một con đường hiện đại để phát triển đất nước hôm nay. Năm 1997, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã duyệt dự án xây dựng một con đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh hiện đại từ con đường mòn xưa. Cố Thủ tướng đã chọn thật đúng người khi trao cho ông vai trò cố vấn đại diện Chính phủ cho dự án. Ông lại một lần nữa hăm hở xăn quần lội rừng, lội suối Trường Sơn đi khảo sát thực tế. Vị tướng trăn trở: “Đất nước chỉ có một con đường độc đạo xuyên Bắc Nam. Trong chiến tranh nước ta đã phải trả giá xương máu, chết chóc quá nhiều để mở một con đường mới. Những xương máu, công sức ấy không thể phí phạm, cần được phát huy thật đúng mực, tận dụng nó làm con đường phát triển đất nước, phát triển kinh tế vùng núi và cũng là để bảo vệ an ninh, quốc phòng đất nước. Không ai dám chắc là đất nước mãi yên bình, chúng ta luôn phải sẵn sàng...”. Trí tuệ và tinh thần kiến thiết đất nước rực cháy ở vị tướng tuổi 87 theo mãi người xem khi màn hình khép lại...
Đạo diễn - tác giả kịch bản Nguyễn Hải Anh:
Phim về nhân vật duy nhất trong dịp này
Cha tôi là phóng viên chiến trường. Từ bé tôi đã rất ấn tượng việc ông cứ ra đi rồi trở về, có khi bị thương, mang theo những cuốn phim chiến sự. Tôi thích làm phim chiến tranh là vì thế. Tôi cũng thích làm phim về nhân vật. Tôi muốn kể một câu chuyện lịch sử thông qua cuộc đời một con người, vì mọi thứ luôn xuất phát từ con người. Bộ phim này gần như là phim về nhân vật duy nhất trong khá nhiều phim sự kiện trong dịp kỷ niệm 50 năm đường Trường Sơn. Sếp tôi bảo khi hãng phim công bố bộ phim, nhiều đài đồng nghiệp đã ồ lên tiếc là mình đã không làm về tướng Nguyên và mua phim ngay.