Hãng tin RT dẫn lời nhà lãnh đạo Nga phát biểu tại một cuộc họp cấp chính phủ ở Sochi rằng, nước này vẫn sẵn sàng đối thoại với Mỹ về INF (Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung) mà hai bên ký kết năm 1987 và mới đây Tổng thống Donald Trump thông báo sẽ từ bỏ.
INF cấm phóng các tên lửa tầm trung từ mặt đất có tầm bắn 500 đến 5.500km. Đây là một trong những nền tảng quan trọng của giải giáp hạt nhân. Theo ông Putin, Mỹ nên "xử lý vấn đề với trách nhiệm đầy đủ" vì quyết định rút khỏi INF của Washington "không thể và sẽ không để bị bỏ ngỏ".
Tổng thống Putin cảnh báo không có mối đe dọa nào là suông, và trước đó Nga đã khuyến cáo Mỹ không ra khỏi hiệp ước ABM điều chỉnh các hệ thống tên lửa, thậm chí cảnh báo về sự đáp trả tiềm tàng.
"Giờ đây, chúng ta có các vũ khí siêu thanh đủ sức chọc thủng bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào", ông Putin khẳng định, ý nói đến các vũ khí tối tân nhất của Nga.
Theo RT, Tổng thống Putin yêu cầu các quan chức quân sự và chính phủ Nga phát triển "các bước đi cụ thể" để Nga sử dụng khi phản ứng với Mỹ về việc rút khỏi INF. Ông chủ Điện Kremlin nói thêm, Moscow sẽ không để bất kỳ ai lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang nào khác.
Thay vào đó, Nga có kế hoạch tập trung "phát triển cân bằng" các lực lượng Lục quân, Hải quân và Không quân của mình. Binh lính sẽ thích ứng với các kỹ thuật đào tạo quân sự mới, sử dụng kinh nghiệm chiến đấu mà họ có được ở Syria. Nga cũng sẽ tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí của mình.
Tổng thống Putin bày tỏ hy vọng "ý thức chung" sẽ thắng thế và Mỹ sẽ tiếp tục đối thoại với Nga trong các lĩnh vực ổn định chiến lược và an ninh tập thể, dựa trên cơ sở "trách nhiệm chung".
Mới đây, chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố sẽ rút khỏi INF, viện dẫn Nga vi phạm Hiệp ước khi phát triển các tên lửa thuộc diện cấm. Moscow bác bỏ cáo buộc, cho rằng chính Washington không tuân thủ và có thể thay đổi mục đích các tổ hợp phòng thủ tên lửa đặt ở Đông Âu, sử dụng chúng như các bệ phóng tấn công tầm trung.