Chúng ta đều hiểu việc đóng cửa trường học càng lâu thì càng gây ra những tác động nặng nề, thậm chí không thể đảo ngược đối với hạnh phúc và học tập của trẻ em, đặc biệt là đối với những em dễ bị tổn thương và thiệt thòi nhất. Điều đáng khích lệ là nhiều chính phủ đang nỗ lực hết sức để ưu tiên việc mở cửa trường học trở lại, đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên và cộng đồng. Nhưng mục tiêu cấp bách và lớn nhất của chúng ta phải là mở lại trường học ở mọi nơi, cho tất cả mọi học sinh.
Bà Stefania Giannini, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Giáo dục
117 triệu học sinh tại 18 quốc gia, chiếm 7,5% tổng số học sinh vẫn bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa hoàn toàn trường học.
Số lượng các quốc gia có trường mở cửa một phần đã giảm từ 52 xuống 41 so với cùng kỳ năm ngoái. Năm quốc gia ghi nhận các trường học liên tục đóng cửa suốt 18 tháng qua, với 77 triệu học sinh bị ảnh hưởng. Tại những trường đóng cửa hoàn toàn, giáo dục được cung cấp thông qua sự kết hợp của các lớp học trực tuyến, cũng như phát các bài học trên TV và đài phát thanh.
UNESCO và các đối tác của Liên minh Giáo dục Toàn cầu thể hiện chủ trương ủng hộ việc mở cửa an toàn trở lại các trường học, và nhận định việc đóng cửa hoàn toàn chỉ nên được sử dụng "như một biện pháp cuối cùng".
Kể từ khi đại dịch bùng phát, các trường học bị đóng cửa hoàn toàn trong trung bình 18 tuần (4,5 tháng) trên toàn thế giới. Nếu các trường hợp đóng cửa một phần (theo địa phương/trình độ học vấn) được tính vào, thì thời gian đóng cửa trung bình là 34 tuần (8,5 tháng) trên toàn thế giới, tương đương gần một năm học.
Việc đóng cửa trường học kéo dài và lặp đi lặp lại trong hai năm học vừa qua đã dẫn đến tình trạng sa sút trong học tập và tỷ lệ bỏ học tăng lên, tác động không cân đối đến những học sinh dễ bị tổn thương nhất.
Các trường học mở cửa lại từ năm ngoái ở hầu hết mọi quốc gia đã áp dụng một số hình thức giữ vệ sinh an toàn như đeo khẩu trang, sử dụng chất khử trùng tay, cải thiện hệ thống thông gió và duy trì giãn cách giữa các em. Một số quốc gia cũng đã tiến hành xét nghiệm quy mô lớn cũng như có phản ứng đóng cửa lớp học và trường học tạm thời khi phát hiện ca nhiễm COVID-19.
Tỷ lệ tiêm chủng cộng đồng cũng như trong khối giáo viên tăng là yếu tố chính trong việc mở cửa trở lại trường học. Việc tiêm phòng cho giáo viên đã được ưu tiên ở 80 quốc gia, (khoảng 42 triệu giáo viên đã được tiêm vaccine COVID-19). Ở một số quốc gia, việc tiêm chủng cho học sinh từ 12 tuổi trở lên cũng là một yếu tố quyết định việc mở cửa lại trường học hoàn toàn. Khi bắt đầu các chiến dịch tiêm chủng, UNESCO và Tổ chức Giáo dục Quốc tế đã kêu gọi các quốc gia đưa giáo viên vào nhóm ưu tiên trong các kế hoạch triển khai quốc gia nhằm hạn chế sự lây lan của virus, bảo vệ giáo viên và học sinh, đảm bảo việc tiếp tục học tập.
Bên cạnh đó, việc kết nối và ứng dụng công nghệ số cũng là ưu tiên chính trong việc xây dựng khả năng phục hồi của hệ thống giáo dục và cung cấp các cơ hội học tập kết hợp.
UNESCO, UNICEF và Ngân hàng Thế giới đã hợp tác với nhau trong sứ mệnh Phục hồi Giáo dục 2021 để hỗ trợ các chính phủ đưa tất cả học sinh trở lại trường, giúp các em bắt kịp với chương trình học, chuẩn bị cho đội ngũ giáo viên cách giải quyết những lỗ hổng kiến thức thông qua kết hợp công nghệ kỹ thuật số vào giáo trình giảng dạy.
Là một phần của lời kêu gọi mở lại trường học, UNESCO đã tham gia một chiến dịch kéo dài 18 giờ do UNICEF tổ chức trên các kênh truyền thông xã hội, thông qua đóng băng tất cả nội dung không liên quan đến giáo dục, bắt đầu từ ngày 16/9.