Theo báo cáo của UNICEF, hiện có khoảng 17 quốc gia đóng cửa hoàn toàn trường học, trong khi 39 quốc gia vẫn đóng cửa một phần. Có tới 77 triệu học sinh đến từ các nước "gần như đóng cửa hoàn toàn", bao gồm Philippines, Bangladesh, Venezuela, Saudi Arabia, Panama và Kuwait.
Đáng chú ý, Philippines chiếm 1/3 số học sinh đang phải ở nhà. Quốc đảo này đang chống chọi với một trong những đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất châu Á.
UNICEF cho biết trẻ em từ 6 quốc gia đại diện cho hơn một nửa trong số 131 triệu học sinh trên toàn thế giới đã bỏ lỡ hơn 3/4 thời gian học trực tiếp.
“Cuộc khủng hoảng giáo dục vẫn còn hiện diện và mỗi ngày trôi qua mà các lớp học vẫn tối tăm, sự tàn phá ngày càng nghiêm trọng hơn”, Giám đốc Điều hành UNICEF Henrietta Fore tuyên bố.
Báo cáo cho biết giáo viên nên là đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine COVID-19, xếp sau nhân viên y tế và những người có nguy cơ cao.
Theo UNICEF, học sinh dù có thể an toàn khi học tại nhà, nhưng hạn chế tiếp cận học liệu và các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại di động đang là thách thức mà hàng triệu trẻ em nghèo phải đối mặt.
Trong một báo cáo được công bố vào tháng 4, Ngân hàng Phát triển Châu Á ước tính việc đóng cửa trường học kéo dài hơn một năm có thể làm giảm thu nhập tương lai của học sinh trong khu vực lên tới 1,25 nghìn tỷ USD, tương đương 5,4% GDP vào năm 2020.
Vào thứ Năm tuần này, UNICEF và các đối tác sẽ đóng cửa các kênh kỹ thuật số của họ trong 18 giờ nhằm thu hút sự chú ý về cuộc khủng hoảng giáo dục kéo dài suốt 18 tháng qua.
"Đây là một cuộc khủng hoảng mà chúng tôi sẽ không cho phép thế giới bỏ qua", bà Henrietta Fore khẳng định. "Dù chúng tôi chọn cách im lặng, nhưng thông điệp của chúng tôi rất rõ ràng: Mọi cộng đồng, mọi nơi phải mở lại trường học càng sớm càng tốt."