Tại Eritrea, Michael Berhe và nhóm của mình đã thu thập dữ liệu, thiết kế một nguyên mẫu, mã hóa và thử nghiệm Ứng dụng dành cho thiết bị di động nhằm nâng cao nhận thức về Asmara: Thành phố hiện đại của Châu Phi, Di sản Thế giới đầu tiên được công nhận của Eritrea. Nhóm đã thực hiện một số cuộc phỏng vấn đăng tải trên các phương tiện truyền thông bao gồm Đài tiếng nói Hoa Kỳ, Báo quốc gia Eritrean, và các phương tiện truyền thông xã hội phổ biến khác nhau.
Sewnet Tesfaye Lema đến từ Ethiopia đã tới một số trường học và trường đại học để vận động thành lập Câu lạc bộ Di sản Thế giới, chuyên tổ chức các hội thảo đào tạo và nâng cao năng lực với đối tượng thanh niên và nhà báo về việc bảo vệ và phát huy giá trị các Di sản Thế giới ở Ethiopia. Thông qua các đài FM và đài phát thanh cộng đồng nổi tiếng, Sewnet cũng thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc gìn giữ và bảo vệ các Di sản Thế giới, đặc biệt trong bối cảnh xung đột đang diễn ra ở miền Bắc đất nước.
Maureen Kombo đến từ Kenya đã tập trung vào việc huy động nguồn lực thanh niên trong việc lồng ghép các chiến lược quản lý chất thải rắn dựa vào cộng đồng trong việc bảo tồn thị trấn Lamu, Di sản Thế giới được UNESCO công nhận. Cô đã phỏng vấn ban quản lý thị trấn Lamu, các nhà lãnh đạo cộng đồng, các quan chức chính quyền và thanh niên về cách thức chiến lược để bảo vệ và bảo tồn di sản Lamu, cũng như cách giải quyết những thách thức trong quản lý chất thải rắn trong thị trấn, đồng thời thực hiện nhiều hành động thiết thực như dọn dẹp bãi biển, thu gom rác thải và xây dựng chiến lược quản lý rác thải dài hạn.
Tại Tanzania, dự án của Brenda Kisaka đã phát triển các chương trình phát thanh, tổ chức các cuộc thảo luận bàn tròn và một loạt hội thảo trực tuyến để quảng bá Di sản Thế giới ở Đông Phi. Lời kêu gọi quảng bá và bảo vệ các Di sản Thế giới ở Châu Phi không chỉ tiếp cận với thanh niên Tanzania, mà còn đến với thanh niên cộng đồng Đông Phi EAC và cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi SADC. “Để giới trẻ chung tay bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản, mọi chiến dịch sáng tạo và năng động nên được thực hiện bằng ngôn ngữ địa phương. Tại Tanzania, việc sử dụng ngôn ngữ Swahili để quảng bá các khu di sản, cả trực tuyến lẫn ngoại tuyến, sẽ không chỉ giúp quảng bá các khu di sản mà còn quảng bá ngôn ngữ Swahili, vốn là di sản của chúng tôi với tư cách là người Tanzania”, Peter Mbando, Đại sứ Thanh niên EAC từ Tanzania cho biết.
Thông qua Hội đồng Thanh niên Buganda và Nkobazambogo, một chương trình hợp tác với Vương quốc Buganda, Tiến sĩ Kabanda Umar của Uganda đã tổ chức một loạt hoạt động nhằm trao quyền cho thanh niên thông qua văn hóa và di sản. Các sự kiện bao gồm hội thảo trực tuyến, chương trình trò chuyện trên đài phát thanh và truyền hình, tất cả đều hướng tới việc cảm hóa giới trẻ và nâng cao nhận thức về cách thu hút họ tham gia vào việc bảo vệ, bảo tồn và quảng bá Di sản Thế giới Lăng mộ Kasubi ở Uganda. Các sự kiện được tổ chức bằng cả tiếng Anh và tiếng Luganda, thu hút nhiều thủ lĩnh thanh niên từ các Câu lạc bộ Thanh niên Buganda khác nhau.
Tại Rwanda và Uganda, ông Cephas Twinamatsiko tập trung vào việc vận động sinh viên đại học bằng cách thuyết trình, tổ chức các buổi trò chuyện trên đài phát thanh, tổ chức các chiến dịch nâng cao nhận thức ở các trường trung học, khởi xướng các cuộc tranh luận do thanh niên dẫn dắt và tạo ra các nền tảng truyền thông xã hội để thanh niên tham gia vào công cuộc bảo vệ, bảo tồn Di sản Thế giới. Nhóm của ông cũng đã tổ chức các chiến dịch dọn dẹp và các sự kiện trồng cây tại bảy địa điểm ở Uganda và Rwanda.
Giáo sư Hubert Gijzen, Giám đốc UNESCO khu vực Đông Phi, chia sẻ: "Các dự án đoạt giải trong Ngày Di sản Thế giới Châu Phi này đã đóng vai trò là chất xúc tác và khơi nguồn cảm hứng cho các sáng kiến do thanh niên dẫn đầu - nhằm bảo vệ và phát huy các di sản Châu Phi. Chúng tôi tự hào về những thành tựu của họ và được tiếp thêm động lực để tiếp tục hỗ trợ các dự án đáng giá tương tự trong tương lai, vì Di sản Thế giới của chúng ta nằm trong tay những người trẻ."