Hàng tấn trái cây đặc sản tiêu thụ trên “app”
Hơn 100 tấn trái cây đặc sản tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và nhiều vùng trồng cây ăn trái đặc sản địa phương đã đến tay người dùng thông qua chiến dịch “Lễ hội trái cây mùa hè 2022” do GrabMart triển khai hồi tháng 6-7 vừa qua. Bơ, vải, sầu riêng, măng cụt… được hỗ trợ quảng bá, tiếp cận rộng rãi đến người dùng trên toàn quốc. Đây là kết quả nổi bật của việc ứng dụng công nghệ giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản Việt, quảng bá và kết nối đặc sản vùng miền đến người tiêu dùng trên cả nước.
Trước đó, trong giai đoạn giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19, vải thiều Bắc Giang cũng “tìm” được đường ra nhờ nền tảng công nghệ. Thông qua dự án GrabConnect, Grab đã phối hợp cùng các đối tác thu mua trái vải từ các hợp tác xã (HTX) và nhà vườn tại Bắc Giang. Người dùng tại Hà Nội và TP.HCM đặt mua vải online do Grab và các đối tác cửa hàng trên nền tảng. Đơn hàng vải sau đó được các đối tác tài xế của Grab vận chuyển đến tận tay người dùng một cách nhanh chóng, đảm bảo độ tươi ngon.
Tận dụng nền tảng công nghệ của mình, Grab hỗ trợ nông dân Bắc Giang tiêu thụ vải ngay trong thời điểm dịch bệnh khó khăn. |
Đây là những ví dụ cho thấy ưu thế nổi trội của thương mại điện tử (TMĐT) trong việc giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản Việt, dù trong thời kỳ đại dịch hay hậu đại dịch. Nói về tầm quan trọng của các nền tảng, tại Hội thảo “Thương mại điện tử - Xu thế phát triển bền vững” do Báo Công Thương tổ chức gần đây, ông Nguyễn Thế Quang - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã khẳng định: “Chúng tôi vẫn thường nói TMĐT là trụ cột của kinh tế số, là nền tảng của sự phát triển và là nền tảng mang tính hiệu quả và bền vững. Trong đợt dịch, TMĐT đã được vận dụng một cách triệt để và hiện vẫn đang góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế của Việt Nam sau đại dịch”.
Nhà nông “tinh thông” công nghệ
Việc “tinh thông” công nghệ mang lại rất nhiều lợi ích cho người nông dân. Hiểu biết và tận dụng hiệu quả công nghệ có thể giúp nâng cao giá trị, đa dạng kênh tiêu thụ cho sản phẩm nông nghiệp, từ đó cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống. Công nghệ có thể là một giải pháp thiết thực giải quyết bài toán “đầu ra” cho nông sản Việt, nhưng để tiếp cận giải pháp này, người nông dân cũng cần phải được trang bị kiến thức đầy đủ.
Cuối tháng 5/2022, Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) cùng Grab Việt Nam phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Cần Thơ đã tổ chức hội thảo phổ biến kiến thức và kỹ năng chuyển đổi số, phổ cập nhiều sáng kiến công nghệ trong sản xuất, canh tác nông nghiệp cho hơn 100 HTX nông nghiệp khu vực ĐBSCL, giúp họ bước đầu làm quen với công nghệ và mô hình kinh doanh qua nền tảng số.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc, Grab Việt Nam bàn về các sáng kiến thiết thực của ứng dụng công nghệ để giải bài toán đầu ra cho nông sản Việt. |
Hội thảo này nằm trong khuôn khổ hợp tác bốn bên giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Grab Việt Nam. Thỏa thuận hợp tác được ký kết vào đầu năm 2020, nhằm hỗ trợ chuyển đổi số, kết nối tiêu thụ nông sản cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX, hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Cho đến nay, đã có hơn 800 HTX hưởng lợi từ chương trình.
“Những kết quả ban đầu này rất có ý nghĩa với đội ngũ Grab, là động lực để chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực cùng chung tay với các đối tác nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, mang lại những lợi ích thiết thực cho người nông dân”, bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc, Grab Việt Nam, chia sẻ tại Hội thảo “Thương mại điện tử - Xu thế phát triển bền vững” do Báo Công Thương tổ chức vào đầu tháng 12/2022.
Hành trình chuyển đổi số trong nông nghiệp còn dài và cần nhiều nỗ lực hành động. Tuy nhiên, những thành quả thu được bước đầu là một sự khích lệ rất lớn đối với đội ngũ Grab và các đối tác. Trong thời gian tới, Grab sẽ tiếp tục tận dụng ưu thế của ứng dụng công nghệ để cung cấp các giải pháp hỗ trợ cho nông sản Việt và nâng cao năng lực số cho người nông dân, từng bước hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.