Những vấn đề đó đòi hỏi các tòa soạn báo chí trong kỷ nguyên số phải ứng dụng công nghệ để thực hiện việc quản trị có hiệu quả. Đây là nội dung chính của hội thảo khoa học "Ứng dụng công nghệ trong quản trị tòa soạn số" do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tổ chức sáng 17/8, tại Hà Nội.
Phát biểu đề dẫn với chủ đề "Quản trị tòa soạn số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0", Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh khẳng định: Một kỷ nguyên mới của báo chí số, công nghệ số, hội tụ công nghệ, hội tụ nội dung đã hình thành, đang phát triển mạnh mẽ. Hội tụ nội dung, hội tụ công nghệ được xem như là một chìa khóa để mở ra con đường mới cho các nhà báo, tòa soạn hiện đại. Để thực hiện được việc này, cần có một sự "tích hợp" và "hội tụ" cả về nội dung lẫn hình thức xuất bản của một tờ báo, theo đó mô hình "tòa soạn số" trở thành xu thế tất yếu của các cơ quan báo chí thế giới nói chung, cơ quan báo chí Việt Nam nói riêng.
Xây dựng tòa soạn số sẽ làm thay đổi toàn diện bộ mặt của ngành báo chí, đặc biệt là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, bám sát hơn với tình hình thực tiễn; chủ động nắm bắt các sự kiện, kịp thời thông tin, định hướng dư luận xã hội bảo đảm khách quan, chính xác, có trọng tâm, trọng điểm.
Tòa soạn số cũng là tiền đề để tiếp tục thực hiện nghiêm nguyên tắc một đầu mối trong chỉ đạo, định hướng thông tin, bảo đảm việc chỉ đạo, cung cấp thông tin thống nhất, kịp thời và thuyết phục, nhất là những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, để báo chí chính thống giữ vững vai trò định hướng, chi phối thông tin trong xã hội. Trong số những công nghệ sẽ có tác động mạnh mẽ tới hoạt động báo chí, truyền thông hiện nay, nổi bật là vấn đề ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và chuỗi khối (blockchain) trong quản lý tòa soạn số, trong tổ chức sản xuất sản phẩm cũng như phát hành các sản phẩm báo chí truyền thông.
Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh, hội thảo sẽ làm rõ luận cứ khoa học của nội hàm "tòa soạn số"; nội hàm khoa học của công nghệ chuỗi khối (blockchain) và trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động báo chí truyền thông hiện nay, đặc biệt trong công tác quản lý các cơ quan báo chí, quản lý các sản phẩm báo chí truyền thông. Hội thảo góp phần làm rõ hành lang pháp lý về báo chí số và tòa soạn số, đặc biệt là chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số báo chí nói riêng để hướng tới "xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại" theo định hướng của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Qua đó đề xuất những giải pháp thiết thực, khả thi để thực hiện chuyển đổi hoạt động của tòa soạn của các cơ quan báo chí hướng tới xây dựng mô hình tòa soạn số tại các cơ quan báo chí ở Việt Nam hiện nay.
Với hai phiên thảo luận: Giải pháp công nghệ trong quản trị tòa soạn số; thực tiễn ứng dụng công nghệ trong quản trị tòa soạn số ở Việt Nam và 1 phiên thảo luận chuyên đề, hội thảo đã nghe các nghiên cứu chuyên sâu về ứng dụng AI sẽ giới thiệu về blockchain; thảo luận về các sáng kiến ứng dụng công nghệ số trong mọi bước, mọi khâu, mọi lớp cấu trúc của toà soạn số; thực tiễn, kinh nghiệm quản trị toà soạn số ở các cơ quan báo chí - từ vấn đề quản trị tác quyền, sở hữu trí tuệ, đến phân phối, quản lý nội dung, quản trị nhân sự, quản trị công nghệ, quản trị kinh doanh và kinh tế báo chí. Hội thảo cũng bàn tới chủ thể số, nền tảng số và các công cụ số cho sáng tạo nội dung, tổ chức sản xuất, phân phối và kinh doanh các loại hình báo chí số như: báo chí đa loại hình, báo chí đa nền tảng, báo chí đa phương tiện, báo chí dữ liệu và báo chí tự động. Đồng thời, các nhà khoa học, lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan báo chí, các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, chỉ dẫn cụ thể về việc các cơ quan báo chí đã và đang triển khai ứng dụng công nghệ trong xây dựng và quản trị tòa soạn ở cơ quan báo chí của mình.