Theo báo cáo của ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế) và UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc), số trẻ em không được tiếp cận với bảo trợ xã hội đang gia tăng hàng năm, khiến các em có nguy cơ nghèo đói và bị phân biệt đối xử.
Báo cáo Hơn một tỷ lý do: Nhu cầu cấp bách xây dựng bảo trợ xã hội toàn cầu cho trẻ em cảnh báo, từ năm 2016-2020 có thêm 50 triệu trẻ em trong độ tuổi 0-15 đã không được hưởng trợ cấp trẻ em (được trả bằng tiền mặt hoặc tín dụng thuế).
Bà Shahra Razavi, Vụ trưởng Vụ An sinh Xã hội của ILO cho biết hỗ trợ các gia đình là con đường lý tưởng nhất để trẻ em có được phúc lợi, được hưởng bảo trợ xã hội. Đồng thời, điều đó cũng mở đường cho sự phát triển bền vững và công bằng xã hội.
Theo báo cáo, tỷ lệ bao phủ trợ cấp trẻ em và gia đình trên toàn cầu đã giảm hoặc chững lại trong năm 2016 đến năm 2020. Điều này khiến không có quốc gia nào đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững: đạt mức bao phủ bảo trợ xã hội đáng kể năm 2030. Ví dụ ở khu vực Trung Á và Nam Á; Đông Á và Đông Nam Á; Châu Phi cận Sahara; Tây Á và Bắc Phi tỷ lệ bao phủ lần lượt ở mức khoảng 21%, 14%, 11% và 28% (năm 2016).
Việc không cung cấp đầy đủ bảo trợ xã hội cho trẻ em sẽ khiến các em dễ bị nghèo đói; suy dinh dưỡng; đồng thời làm tăng nguy cơ tảo hôn; không được tiếp cận với giáo dục, y tế, nhà ở, dinh dưỡng, vệ sinh hoặc nước.
Trong thời kỳ đại dịch COVID-19, hầu hết chính phủ các nước đều nhanh chóng điều chỉnh các chương trình hiện có hoặc đưa ra các chương trình bảo trợ xã hội mới để hỗ trợ trẻ em và gia đình, nhưng hầu hết đều không thực hiện các cải cách lâu dài.
Báo cáo nhấn mạnh rằng tất cả các quốc gia, không phân biệt trình độ phát triển, đều có quyền lựa chọn: theo đuổi chiến lược đầu tư “đường cao tốc” để củng cố các hệ thống an sinh xã hội hay chiến lược “đường thấp” bỏ lỡ các khoản đầu tư cần thiết và sẽ bỏ lại hàng triệu trẻ em phía sau.
Để đảo ngược xu hướng tiêu cực, ILO và UNICEF kêu gọi các nhà hoạch định chính sách thực hiện các bước quyết định để đạt được bảo trợ xã hội phổ quát cho tất cả trẻ em, bao gồm:
1. Đầu tư các lợi ích dành cho trẻ em một cách hiệu quả để chống lại tình trạng nghèo đói, đảm bảo trẻ em phát triển mạnh mẽ.
2. Cung cấp nhiều lợi ích toàn diện cho trẻ em thông qua các hệ thống bảo trợ xã hội quốc gia, đồng thời kết nối các gia đình với các dịch vụ xã hội và y tế quan trọng.
3. Xây dựng hệ thống bảo trợ xã hội dựa trên quyền, đáp ứng giới, toàn diện và phản ứng nhanh để giải quyết bất bình đẳng giới, mang lại kết quả tốt hơn cho trẻ em gái và phụ nữ.
4. Đảm bảo nguồn tài chính bền vững cho hệ thống bảo trợ xã hội bằng cách huy động các nguồn lực trong nước và tăng cường phân bổ ngân sách cho trẻ em.
5. Tăng cường bảo trợ xã hội cho cha mẹ và người chăm sóc, đảm bảo khả năng tiếp cận việc làm bền vững và các phúc lợi đầy đủ, bao gồm thất nghiệp, ốm đau, thai sản, khuyết tật và lương hưu./.