Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh) đến năm 2040, tầm nhìn đến 2050.
Một trong những mục tiêu trọng tâm là xây dựng khu kinh tế Vân Đồn trở thành vùng động lực phát triển kinh tế của Việt Nam; nằm trong nhóm các thành phố đáng sống nhất châu Á - Thái Bình Dương. Vân Đồn sẽ là trung tâm kinh tế năng động, tập trung vào du lịch, sản xuất sản phẩm cao cấp và dịch vụ; trung tâm kinh doanh thương mại quốc tế của khu vực... Nơi đây cũng sẽ có trung tâm công nghiệp giải trí, trong đó có casino.
Với diện tích quy hoạch 2.100 km2, dự kiến đến 2040 khu kinh tế này có dân số khoảng 500.000 người; đón gần 10 triệu lượt khách du lịch. Trong tương lai, hệ thống công trình hạ tầng kinh tế, xã hội của Vân Đồn sẽ gồm: công nghiệp, dịch vụ, du lịch, trụ sở làm việc, nhà ở, y tế, giáo dục, văn hoá...
Khu vực phía Tây đảo Cái Bầu với lợi thế có sân bay, đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái sẽ ưu tiên phát triển thương mại tự do, sản xuất công nghệ cao, dịch vụ hậu cần và đô thị.
Phía bắc đảo Cái Bầu gắn với khai thác cảng biển Vạn Hoa, Mũi Chùa sẽ xây dựng khu đô thị phức hợp, dịch vụ du lịch, công nghiệp, cảng biển. Phía đông và Nam đảo Cái Bầu sẽ có trung tâm tài chính quốc tế và dịch vụ du lịch chất lượng cao, văn hoá sáng tạo, vui chơi giải trí. Phía đông quần đảo Vân Hải gồm đảo Trà Bản, Minh Châu - Quan Lạn, Ngọc Vừng, Phượng Hoàng, Vạn Cảnh... sẽ khai thác du lịch biển cao cấp. Các đảo thuộc vườn quốc gia Bái Tử Long được ưu tiên bảo tồn, hạn chế xây dựng và khai thác.
Thủ tướng yêu cầu Quảng Ninh đánh giá hiện trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và môi trường bao gồm giao thông, cấp thoát nước, điện, chất thải... để đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.
Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc là những nơi được lựa chọn để xây dựng dự án Luật Đặc khu hành chính - kinh tế đặc biệt. Tuy nhiên, sau khi tiếp thu ý kiến cử tri và các đại biểu, ngày 11/6/2018, Quốc hội biểu quyết đồng ý lùi dự án Luật Đặc khu với hơn 85% đại biểu tán thành.